Lắt léo chữ nghĩa: Hổ phụ sinh hổ tử

03/04/2022 07:30 GMT+7

Nhiều người nghĩ rằng câu Hổ phụ sinh hổ tử có nguồn gốc từ Trung Quốc , bởi vì họ nhận thấy câu này được viết hoàn toàn bằng từ Hán Việt. Liệu điều này có chính xác?

Trước hết, xin điểm qua những chi tiết liên quan đến câu Hổ phụ sinh hổ tử.

Có quan điểm cho rằng câu 有其父必有其子 (yǒu qí fù bì yǒu qí zǐ) của Trung Quốc chính là gốc của câu Hổ phụ sinh hổ tử trong tiếng Việt, bởi vì câu này có nghĩa là cha nào, con nấy. Đây là câu xuất hiện ở đoạn thứ 3 trong bài Đông tường kí của Bạch Phác - một nhà thơ, soạn tạp kịch đời Nguyên; trong hồi thứ 65 của quyển Nhị thập niên mục đổ chi quái hiện trạng và gần đây là trong bộ sách Khổng Tùng Tử của Vương Quân Tâm, do Trung Hoa thư cục xuất bản năm 2009, chép lại lời nói của Khổng Tử và Tử Tư. Tuy nhiên, câu này chỉ cho thấy sự đối xứng giữa cặp từ cha-con, chứ không lột tả được tính chất tài giỏi như trong câu Hổ phụ sinh hổ tử (cha tài giỏi sinh con tài giỏi).

Tục ngữ Trung Quốc có câu tương tự: Hổ phụ vô khuyển tử (虎父无犬子), nghĩa đen là cha hổ không có con chó; nghĩa bóng là người cha có tài thì tất nhiên sẽ không sinh ra người con bất tài. Đây là câu dùng để khen con của người khác, xuất hiện trong chương 83 của bộ Tam Quốc diễn nghĩa: Hổ phụ vô khuyển tử dã (虎父无犬子也). Thời xưa, người Trung Quốc thường gọi con trai mình là khuyển tử (犬子), điều này không có nghĩa là hạ thấp con, mà chỉ là một cách nói khiêm tốn. Tuy nhiên, Hổ phụ vô khuyển tử cũng không phải là câu gốc để hình thành tục ngữ Hổ phụ sinh hổ tử.

Vậy, câu Hổ phụ sinh hổ tử có nguồn gốc từ đâu?

Xin thưa, đây là câu viết bằng chữ Hán, xuất hiện trong tập 1 của bộ sách Đại Nam thực lục (tiền biên), do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, nằm trong phần ghi chép giai đoạn chúa Nguyễn Hoàng đến trấn thủ ở Thuận Hóa (1558) trở về sau: “...日真虎父生虎子也” (... nhật chân hổ phụ sinh hổ tử dã). Trong tập 1 của Đại Nam thực lục, do Viện Nghiên cứu ngôn ngữ Keio thực hiện năm 1961, nguyên bản từ Đại học Michigan, cũng ghi nhận y như vậy. Điều này cho thấy câu Hổ phụ sinh hổ tử đã xuất hiện từ lâu, do chính người Việt nghĩ ra chứ không phải Trung Quốc. Đến năm 1838, Từ điển Taberd cũng đã ghi nhận câu Hổ phụ sinh hổ tử (trong mục Sinh).

Hiện nay, trong nhiều văn bản tiếng Trung Quốc có câu 虎父生虎子 (Hổ phụ sinh hổ tử), tuy nhiên, không vì thế mà khẳng định câu này của Trung Quốc, bởi vì, hiện tượng giao thoa văn hóa và ngôn ngữ là điều phổ biến, người Trung Quốc sử dụng tục ngữ của Việt Nam và ngược lại là điều bình thường. Trong văn bản Hán ngữ, có một câu tương tự là 虎父还生虎子 (Hổ phụ hoàn sinh hổ tử), tức cha hổ lại sinh con hổ. Có lẽ đây là câu ảnh hưởng từ câu Hổ phụ sinh hổ tử của người Việt, xuất hiện trong quyển Tăng bổ bạch mi cố sự của Hứa Dĩ Trung và trong Tăng bổ chú thích cố sự bạch mi của Đặng Chí Mô, bởi vì tuy cả hai quyển này đều xuất bản năm 1876 song lại sau quyển Từ điển Taberd hơn 30 năm và sau bộ Đại Nam thực lục rất lâu.

Tóm lại, ngay cả Bách khoa thư Baidu cũng không chứng minh được câu 虎父生虎子 (Hổ phụ sinh hổ tử) có nguồn gốc từ Trung Quốc, do đó chúng tôi tạm thời kết luận rằng câu này do người Việt sáng tạo, khởi thủy viết bằng chữ Hán, trong quá trình giao thoa văn hóa và ngôn ngữ, người Trung Quốc đã mượn sử dụng cho đến ngày nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.