Người ta gọi đó là hiện tượng “biến đổi ngữ âm” (phonetic variation) - một hiện tượng xảy ra trong nhiều ngôn ngữ. Thí dụ như từ “lăm” và “nhăm”: Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình (c. 3070 trong Truyện Kiều), Thời ấy có thằng trẻ trong thôn, tuổi vừa mười bốn mười lăm (Tân biên Truyền kỳ mạn lục, bản dịch chữ Nôm năm 1774).
Nhìn chung, chữ lăm (𠄻) xuất hiện khá nhiều trong những văn bản chữ Nôm. Lăm chính là từ biến âm của số 5, thường được sử dụng ở miền Nam, còn ở miền Bắc thì lại biến âm thành nhăm và cũng được ghi nhận trong chữ Nôm. “Ông chẳng hay ông tuổi đã già. Năm nhăm ông cũng lão đây mà” (Quế Sơn thi tập của Nguyễn Khuyến).
Cũng giống như lăm, chữ nhăm (𠄶) là từ chính thức, phổ biến trong ca dao viết bằng chữ Quốc ngữ (tiếng Việt ngày nay): “Ông thánh còn có khi nhầm/Huống chi bà lão tám nhăm tuổi đời”.
Hiện tượng biến âm của hai từ này thường được giải thích là “tránh lặp lại số 5” trong cách phát âm, thí dụ: 25 năm (hai mươi năm năm) = hai mươi lăm/nhăm, ngoài ra còn có cách lý giải khác cũng được nhiều người đồng tình, đó là việc giúp cho cách phát âm thuận tiện hơn, dễ dàng hơn. Cần lưu ý rằng lăm và nhăm tuy là từ biến âm song chúng được xác định cụ thể bằng chữ viết chứ không chỉ trong khẩu ngữ, cụ thể là trong hệ thống chữ Nôm đã ghi nhận hai âm này. Tuy nhiên, có điểm cần phân biệt: lăm (𠄻) và nhăm (𠄶) có cách viết chữ Nôm khác nhau. Lăm (𠄻) còn có nghĩa là “rằm” trong ngày rằm, song nhăm (𠄶) chỉ dùng trong số đếm.
Đến chữ linh thì không phải là hiện tượng biến âm. Linh chính là từ Hán Việt, có nguồn gốc từ chữ 零 (líng) trong Hán ngữ. Linh 零 có nghĩa là số không hoặc (số) lẻ. Thí dụ: tam linh nhị ( 三零二) = ba không hai (302); hoặc nhất niên linh tứ thiên (一年零四天) = một năm lẻ bốn ngày...
Cách đọc một trăm linh tám (108) là cách chen từ Hán Việt vào số đếm tiếng Việt một cách linh hoạt. Trong chữ Nôm có nhiều từ linh, tuy nhiên đều mang nghĩa khác, không có nghĩa là số không hoặc (số) lẻ. Cái từ 零 (líng) Hán ngữ được cha ông ta mượn nguyên xi hình thức chữ nhưng lại tạo âm và nghĩa là lênh trong “lênh chênh” (vẻ cao mà không vững) hay ranh trong “rắp ranh” (sắp đặt sẵn, chờ sẵn). Như vậy, linh với tư cách là số đếm, chỉ được ghi nhận trong chữ Quốc ngữ.
Hệ thống chữ Nôm cho thấy những từ lẻ như 禮, 礼, 𥙪 ,𥘶, 𥛭; trong đó có 3 chữ lẻ (𥙪, 𥘶, 𥛭) là thuần Nôm, 2 chữ lẻ (禮, 礼) còn lại mượn từ Hán ngữ. Những chữ lẻ này được sử dụng lẫn lộn trong những từ như lẻ (dôi ra, thừa ra); lẻ (lượng 1/10 đấu. TD: 1 đấu 2 lẻ gạo); lẻ tẻ; lẻ loi...
Tóm lại, lăm và nhăm tuy là từ biến âm song chúng được ghi nhận chính thức trong tiếng Việt, tùy văn cảnh mà ta sử dụng. Hai từ này có vẻ thích hợp trong khẩu ngữ, văn chương hơn là trong ngôn ngữ hành chính; còn linh là từ Hán Việt, được dùng phổ biến ở miền Bắc với nghĩa là số không; ở miền Nam người ta dùng từ lẻ (một từ Việt “thuần túy”) với tư cách là số lẻ, hiếm khi hiểu nghĩa tương ứng với số không.
Bình luận (0)