Trong những câu sau đây, chẳng hạn, hội không thể thay thế cho lễ:
- Việt Nam có phải là quốc gia nghỉ lễ nhiều nhất thế giới? (kenh14.vn, 18.12.2017).
- Năm 2018, dân được nghỉ bao nhiêu ngày lễ, tết? (Vietnamnet, 16.12.2017).
- Các ngày nghỉ lễ năm 2018 theo quy định (Người đưa tin, 16.10.2017).
- Việt Nam có phải là nước nghỉ lễ nhiều nhất thế giới? (Infonet, 20.4.2016).
- Dịp lễ 30.4 và 1.5, người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày? (tuoitre.vn, 19.3.2018).
Còn chữ hội có hai nghĩa thông dụng là: cuộc vui có đông người tham gia tổ chức vào những dịp đặc biệt; tổ chức của những người có chung tôn chỉ hoặc nghề nghiệp. Nhưng với cả hai nghĩa này thì hội cũng không thể được thay thế bằng lễ. Chẳng hạn, hội thi cắm hoa, hội thi nấu ăn..., không thể nói là lễ thi cắm hoa, lễ thi nấu ăn... Và tất nhiên, lễ càng không thể thay thế cho nghĩa thứ hai của hội, chẳng hạn trong câu Kiều thứ 1.270: Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn.
Chính vì phân tích trên đây nên chúng tôi thấy vài bản Kiều có vấn đề khi chép câu thứ 44 của Truyện Kiều là:
Lễ là tảo mộ gọi là đạp thanh.
Tảo mộ, trong Nam gọi là giẫy mã, tức là đi viếng mộ ông bà, cha mẹ vào dịp thanh minh hoặc giáp tết và trước khi bày lễ vật (đơn sơ hoặc dồi dào tùy hoàn cảnh) để cúng thì phải làm cỏ, nhặt rác, quét dọn mồ mả cho sạch sẽ. Tảo mộ [掃墓] có nghĩa gốc là quét mộ.
Đạp thanh thì khác hẳn và có nghĩa gốc là đạp trên cỏ, đạp lên màu xanh của mùa xuân mà đi chơi. Ngày xưa, ở bên Trung Quốc, trong dịp thanh minh, người ta thường đi ra những vùng xa, vùng đồng cỏ tươi mát để hưởng không khí trong lành và cảnh đẹp của trời đất, với nhiều loại hình vui chơi khác nhau, như đánh đu tiên, đá gà, đá bóng (tựu cúc [蹴鞠]), thả diều, cắm liễu (sáp liễu [插柳])... Đạp thanh còn là một dịp để trai gái tìm hiểu nhau và đây chính là khung cảnh mở đầu cho mối tình Kim Trọng - Thúy Kiều. Đó gọi là đạp thanh xuân du [踏青春游] và đây chính là nội dung của hai tiếng chơi xuân ở câu Kiều thứ 46 (Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân). Vậy tảo mộ là lễ, còn đạp thanh là hội; cái này không phải cái kia. Vì vậy mà chữ gọi trong các bản Kiều đã nói rất lạc lõng. Chúng tôi nhất trí với Đào Duy Anh rằng: “Sở dĩ chép gọi là do hội lộn thành” (Từ điển Truyện Kiều - ảnh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr.219). Vậy, câu Kiều thứ 44, theo chúng tôi, dứt khoát phải là: Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
Bình luận (0)