Lắt léo chữ nghĩa: 'Liệt sĩ' gốc Hán ngữ, 'vô danh' gốc… Nhật ngữ!

10/07/2022 07:30 GMT+7

Những từ Hán Việt mà chúng ta sử dụng hằng ngày có 2 nguồn gốc, đa số là gốc Hán ngữ, song ít nhất có khoảng 500 từ xuất phát từ Nhật ngữ. Ở đây, xin phép bàn về cụm từ “liệt sĩ vô danh”.

“Liệt sĩ vô danh” là cụm từ rất quen thuộc đối với người Việt. Đây là cụm từ kết hợp giữa Hán ngữ và Nhật ngữ mà cha ông ta đã sử dụng một cách sáng tạo, độc đáo, có thể không nhiều người nhận ra.

Liệt sĩ (烈士) là từ gốc Hán, Từ điển Nguyễn Quốc Hùng định nghĩa là “Người cứng cỏi, làm việc nghĩa mà quên mình”, song nghĩa mà chúng ta thường biết là “Người đã hy sinh vì nước vì dân trong khi làm nhiệm vụ. Nhớ ơn liệt sĩ. Nghĩa trang liệt sĩ” (trang 593, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, NXB KHXH 1988).

烈士 (liệt sĩ) là từ cổ trong Hán ngữ, có 2 nghĩa cơ bản ban đầu là “Một người chết vì chính nghĩa” và “Một người có khát vọng cao”. Vài trăm năm trước Công nguyên, từ 烈士 (liệt sĩ) đã từng xuất hiện trong sách Hàn Phi Tử (Ngụy sử): “thế vị chi liệt sĩ”(世谓之烈士) và về sau là trong Bộ xuất Hạ Môn hành (步出夏门行) (Tam Quốc Ngụy. Tào Tháo): “liệt sĩ mộ niên, tráng tâm bất dĩ (烈士暮年, 壮心不已).

“Vô danh” là từ gốc Nhật, viết theo kiểu Kanji là 無名 (mumei); theo kiểu chữ mềm Hiragana (Bình giả thanh) là む め い.

Trong Nhật ngữ 無名 (vô danh) có nghĩa là “không có tên”, “không biết tên” hoặc “không nổi tiếng”… giống như cách hiểu “vô danh” trong tiếng Việt. Từ này xuất hiện trong Gian cô văn thảo (Kanke bunzō), tập 4 của Tiểu Tri Chương từ năm 900. Người Nhật còn dùng từ “vô danh” (無名/む め い) với nghĩa là “ẩn danh” hoặc sử dụng từ đồng nghĩa là “bất minh” (不明, fumei).

Nhìn chung, vô danh (無名) là từ Hán Việt gốc Nhật. Con đường mà người Nhật tạo ra kiểu chữ Nhật viết giống như chữ Hán tóm tắt như sau: Khoảng thế kỷ thứ 5 các nhà sư đem những văn bản chữ Hán vào nước Nhật, ban đầu những ký tự này được đọc theo âm Hán. Về sau người Nhật chế ra kiểu chữ gọi là Kanji (Hán tự), trong đó có một số chữ mượn từ Hán ngữ, song mang nghĩa mới và đọc theo tiếng Nhật. Một số từ do người Nhật nghĩ ra, không có trong từ vựng Hán ngữ, được gọi là Kokuji (Quốc tự) hay Wasei Kanji (Hòa chế Hán tự, tức chữ Hán do người Nhật chế ra). Từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 thì tiếng Nhật đã góp phần quan trọng trong việc hình thành Hán ngữ hiện đại, bởi vì trong giai đoạn này, nước Nhật đã trở thành “cổng của phương Tây”. Có tài liệu cho rằng Từ điển từ ngoại lai hiện đại (现代 外来 词 词典) của Cao Danh Khải và Lưu Chính Đàm xuất bản năm 1958 chứa gần 10.000 từ, trong đó có 882 từ gốc Nhật. Người Việt đã phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa ít nhất 500 từ tiếng Nhật theo những nguồn khác nhau, trong đó có từ “vô danh” (無名) mà nhiều người nghĩ rằng đó là từ gốc Hán.

Tóm lại, “liệt sĩ vô danh” là người đã hy sinh vì nước vì dân trong khi làm nhiệm vụ, những người mà chúng ta chưa biết tên vì lý do nào đó. Hiện nay, có đề xuất thay các bia mộ ghi “liệt sĩ vô danh” bằng cách khắc lên bia mộ dòng chữ “liệt sĩ chưa xác định được tên”. Theo chúng tôi điều này không cần thiết, vì cả 2 cách ghi này đều có nghĩa tương tự nhau, sự thay đổi chỉ gây lãng phí, tốn “sức người, sức của”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.