Lắt léo chữ nghĩa: 'Mạn tính' hay 'mãn tính'?

19/09/2021 07:00 GMT+7

Hiện nay có 2 cách viết bệnh mạn tính và bệnh mãn tính . Có từ điển cho rằng dùng mạn hay mãn đều được, do đó có những bác sĩ và nhà báo viết theo một trong 2 cách trên. Vậy, cách nào chính xác?

Do bệnh mạn tính và bệnh mãn tính đều là từ Hán Việt nên chúng ta cần tìm nguồn gốc từ Hán ngữ. Cần nhấn mạnh rằng, người Trung Quốc sử dụng cụm từ 慢性病 (mànxìngbìng), đọc theo âm Hán Việt là mạn tính bệnh chứ không phải là mãn tính bệnh.
Theo Khang Hi tự điển, chữ 慢 có 3 phiên thiết, đều cho âm đọc là mạn 縵 (nghĩa là chữ 慢 cần phát âm là mạn chứ không phải âm khác). Mạn 慢 có nghĩa là chậm; mạn tính 慢性 có 2 nghĩa thông thường là tính kiên nhẫn và tính chậm chạp. Riêng trong y học, bệnh mạn tính là bệnh tiến triển chậm (dần dần và kéo dài), thời gian bệnh từ 3 tháng trở lên, còn cụm từ 慢性毒藥 (mạn tính độc dược) nghĩa là thuốc độc có tác dụng chậm.
Trong tiếng Việt, khái niệm bệnh mạn tính tương ứng với tiếng Anh là Chronic condition; tiếng Pháp là Maladie chronique; Tây Ban Nha là Enfermedad crónica và Bồ Đào Nha là Doença crônica… Những thuật ngữ này đều có cách hiểu tương tự như 慢性病 (mạn tính bệnh).
Vậy, nếu viết là bệnh mãn tính có chính xác không? Xin thưa, trong Hán ngữ có những chữ đọc là mãn (满,滿,矕,螨,蟎,襔), song tất cả đều không có nghĩa phù hợp với cách hiểu bệnh tiến triển dần và kéo dài như vừa nêu. Còn xét về chữ Nôm, cha ông ta đã mượn nguyên xi cách viết chữ mạn (慢) trong Hán ngữ và cũng chú nghĩa là chậm. Ví dụ: Mạn hạ lai (chậm lại); mạn xa (xe chậm lại hay ngừng); mạn kính đầu (hình chụp chậm)… Riêng về chữ mãn thì có 2 cách viết là 满 và 滿 - cũng đều mượn từ Hán ngữ, có nghĩa là đầy, chật, hết…, chẳng liên quan gì với cách hiểu bệnh mạn tính kể trên.
Nhìn chung, nên thống nhất cách gọi là bệnh mạn tính, vì đây là thuật ngữ chính xác, không nên sử dụng “bệnh mãn tính” hay chấp nhận cả hai cách đều đúng. Tại sao?
Trong Danh mục bệnh theo chuyên khoa của Bộ Y tế, có 9 mục đều ghi là mạn tính chứ không phải là mãn tính. Ví dụ: viêm gan vi rút B (hoặc C) mạn tính; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; suy hô hấp mạn tính; viêm tuyến giáp mạn tính; loét mạn tính da; viêm ống kẽ thận mạn tính… (trích Thông tư số 34/2013/TT-BYT ngày 28.10.2013 của Bộ Y tế Ban hành danh mục bệnh cần điều trị dài ngày).
Dĩ nhiên, có những bệnh không kèm thuật ngữ mạn tính, song trong ngành y, chúng vẫn là bệnh mạn tính, ví dụ những bệnh thường gặp như bệnh Alzheimer và mất trí nhớ; viêm khớp; hen suyễn; ung thư; xơ nang; bệnh tiểu đường; động kinh; bệnh tim; HIV/AIDS; rối loạn tâm trạng (lưỡng cực, rối loạn tâm thần và trầm cảm); đa xơ cứng; bệnh Parkinson… (theo VINMEC).
Tóm lại, thuật ngữ bệnh mạn tính là chuẩn xác. Xin vui lòng bỏ qua cách viết bệnh mãn tính vì đây là cách sử dụng từ sai, không nên đánh đồng, chấp nhận cả 2 cách mạn mãn đều có nghĩa như nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.