Xuân (春) là ký tự xuất hiện lần đầu trong giáp cốt văn, được sử dụng và phát triển vào thời nhà Thương (thế kỷ 14 - 11 TCN). Thời kỳ đầu, hình dạng của ký tự này bao gồm ba chữ mộc (木) kết hợp với một chữ nhật (日) và một chữ truân (屯) ở giữa. Tuy nhiên, chữ xuân có nhiều biến thể, ngay từ chữ giáp cốt đã có 2 tự hình khác nhau; thời Tây Chu có ít nhất là 3 cách viết; thời Chiến Quốc chữ viết cũng khác. Những chữ xuân trong lệ thư, khải thư, Sở hệ giản bạch, Thuyết văn giải tự, Tần hệ giản độc cũng khác, đặc biệt là có đến 10 chữ dị thể. Song phổ biến nhất là chữ xuân (春) ngày nay, phát triển từ khải thư, một chữ thuộc bộ nhật, hình thành từ hội ý (Lục thư).
Ý nghĩa ban đầu của xuân (春) là nói về "hạt giống cây đã bén rễ và nảy mầm" (Thuyết văn giải tự), về sau mở rộng nghĩa thành "mùa xuân" (Ấn Công nguyên niên, Công Dương truyện, tức Xuân Thu Công Dương truyện). Tính theo âm lịch, mùa xuân bắt đầu từ tháng giêng đến tháng ba, còn tính theo dương lịch thì từ tháng 3 đến tháng 5.
Xuân còn nghĩa là "cảm xúc yêu thương giữa nam và nữ", ý này xuất hiện trong bài thơ Dã hữu tử khuân, tập Thiệu Nam, Thi Kinh. Từ ghép hoài xuân dùng để chỉ sự khao khát yêu đương của người nữ, ngầm nói cô gái muốn lấy chồng, như câu: "Hữu nữ hoài xuân" (có cô gái ôm ấp xuân tình) trong Thi Kinh. Xuân còn là "việc ân ái, chung đụng nam nữ" (Mộc miên, Tân biên truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ).
Xét về thời gian, xuân có nghĩa là "năm", chẳng hạn như trong bài Nhân nhật ký Đỗ nhị thập di của Cao Quát Thích: "Nhất ngọa Đông Sơn tam thập xuân" (Ở Đông Sơn đã ba mươi năm). Xuân còn là từ chỉ hướng Đông, ví dụ như "xuân phương" (phương Đông).
Xuân là "sức sống, tràn đầy năng lượng" trong bài Cổ ý của Mạnh Giao thời nhà Đường, là "sự tươi tắn, trẻ trung" - Tặng Phạm Diệp, bài thơ 5 chữ của Lục Khải thời Nam Tống (có người nói là thời Bắc Ngụy).
Vào thời nhà Đường, xuân có nghĩa là rượu, một loại rượu ủ vào mùa đông uống vào mùa xuân, ý này xuất hiện trong bài Khốc Tuyên Thành thiện nhưỡng Kỷ tẩu của Lý Bạch. Ở VN, xuân còn là "rượu xuân, rượu chúc thọ": "Tưng bừng nhịp quản nhịp sênh. Rượu xuân cao thấp, chén quỳnh đầy vơi (Phan Trần truyện).
Trong tiếng Việt, còn những chữ xuân khác, cũng gốc Hán ngữ, xuất hiện trong các văn bản xưa. Về thực vật, xuân (椿) là "cây xuân", tục gọi là hương xuân (Toona sinensis). Đây là loài cây hoa trắng, cao lớn, sống lâu nên được dùng để chỉ người cha, ý muốn cha sống lâu như cây xuân. Có những từ liên quan như xuân đình (cha), xuân huyên (cha mẹ) và xuân thọ (trường thọ)…
Ở VN, cây xuân còn được gọi là cây mạy sao, xoan hôi, tông dù…; người Trung Quốc cũng gọi bằng nhiều tên khác, chẳng hạn như đại hồng xuân thụ, đại nhãn đồng hay xuân dương thụ…
Xuân (芚) còn là tên một loại rau giống như rau dền, còn gọi là "đồn" (Ngọc Thiên). Ở Trung Quốc, từ này có nghĩa gốc là cây non tươi tốt (Pháp Ngôn của Dương Tử) hoặc vẻ ngoài đần độn (Tề vật luận của Trang Tử).
Cuối cùng, xuân (夋) có nghĩa là "đi bộ chậm rãi" hoặc "đi loanh quanh" (Đông Di văn hóa dữ Sơn Đông, giải thích các bản khắc giáp cốt của Đinh Lôi).
Bình luận (0)