Chữ nghệ (藝) có cách viết cổ là 埶, xuất hiện lần đầu trong Giáp cốt văn thời nhà Thương, có hình dạng giống như người cầm cây non bằng cả hai tay, nghĩa là trồng cây (Kinh Thi). Trồng trọt là kỹ năng nên về sau từ nghệ (藝) mở rộng nghĩa thành "tài năng, kỹ năng". Sách Chu Lễ đã liệt kê "Lục nghệ" dùng để giáo dục con cháu quý tộc thời nhà Chu, đó là: lễ (nghi lễ); nhạc (âm nhạc); xạ (bắn cung); ngữ (cầm cương điều khiển ngựa); thư (thư pháp); số (phép toán). Ngày nay, "nghệ" chính là "nghệ thuật", là nghề nghiệp, kỹ thuật và những nghĩa khác.
Chữ sĩ (士) xuất hiện lần đầu trên các bản Kim văn thời Tây Chu. Khái niệm sĩ (士) thay đổi theo thời gian. Vào thời Ngũ Hoàng, sĩ (士) có nghĩa gốc là quan cai ngục, về sau còn dùng để chỉ chàng trai chưa lập gia đình và quan chức cấp thấp hoặc dùng làm họ người. Sĩ còn có nghĩa là binh lính: giáp sĩ (quân mặc áo giáp), chiến sĩ (lính đánh trận), hoặc là người trí thức trong xã hội cũ.
Như vậy, ở Trung Quốc, từ nghệ sĩ (藝士) ban đầu có nghĩa là "trồng trọt". Ở Hy Lạp cổ đại, "nghệ sĩ" lại được hiểu khác hẳn, từ "techně" thường được dịch là "nghệ thuật", song dùng để chỉ người... thành thạo nghề thủ công. Những "nghệ sĩ" như điêu khắc gia và họa sĩ đều bị xem là thấp kém như kẻ nô lệ, công việc của họ thuộc loại lao động chân tay. Tương tự như vậy, từ "technicus" trong tiếng Latin xuất phát từ chữ "techně" trong tiếng Hy Lạp, cũng là từ gốc của từ kỹ thuật, công nghệ ngày nay chứ chẳng liên quan gì tới nghệ thuật.
Vào thời Phục hưng, trong văn học Ý, từ artista (nghệ sĩ) được đề cập sớm nhất trong trường ca Divina Commedia (Thần khúc, 1303 - 1321) của Dante Alighieri. Theo Dante, artista là người có khả năng thể hiện vẻ đẹp huy hoàng của thiên đường, ngang hàng với nhà thơ. Ngày nay, thuật ngữ artista chủ yếu nói về những người hoạt động nghệ thuật và… nghệ thuật ẩm thực, đặc biệt là làm bánh ngọt.
Trong tiếng Anh, khái niệm artist (nghệ sĩ) rất rộng. Theo Từ điển tiếng Anh Oxford, ngày xưa nghệ sĩ là người theo đuổi khoa học thực tiễn, y học cổ truyền, chiêm tinh, thuật giả kim, hóa học, cơ khí…; artist là người hành nghề mỹ thuật (cuối thế kỷ 16); là "người có tay nghề trong bất kỳ nghệ thuật hoặc nghề thủ công nào (bao gồm giáo sư, bác sĩ phẫu thuật, thợ thủ công, đầu bếp) - thế kỷ 17; là "người thực hành nghệ thuật thiết kế hoặc nghệ thuật thị giác" (giữa thế kỷ 19)…
Ngày nay, ở Trung Quốc, "nghệ sĩ" (藝士) được xem là từ cũ, từ hiện dụng là nghệ thuật gia (艺术家), có nghĩa tương tự như từ "nghệ sĩ" ở VN, tức "người giỏi, lành nghề về một bộ môn nghệ thuật (bao gồm cả người sáng tác và người biểu diễn) - Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên (1988).
Từ "nghệ sĩ" đã từng xuất hiện trong Tầm nguyên từ-điển của Lê Văn Hòe (1941). Về sau, người Việt sáng tạo thêm cụm từ "văn-nghệ-sĩ", được tìm thấy trong Lịch-sử văn-học Việt-Nam (từ thượng-cổ tới hiện-đại): Nguồn gốc văn-học Việt-Nam của Lê Văn Siêu (1956). Văn-nghệ-sĩ tương ứng với từ Vân thuật gia (げいじゅつか) và mỹ thuật gia (びじゅつか) trong tiếng Nhật - hai thuật ngữ cũng có nghĩa là văn nghệ sĩ hay nghệ sĩ.
Bình luận (0)