Lắt léo chữ nghĩa: 'Ngũ lộ' là gì?

29/05/2022 07:30 GMT+7

Ngũ lộ là từ Hán Việt. Ngũ là số 5, lộ có nhiều nghĩa, tùy theo cách kết hợp từ mà cho nghĩa cụ thể. Khái niệm “ngũ lộ” ở đây có thể hiểu theo những cách khác nhau.

Trong võ thuật Thiếu Lâm, bài Ngũ lộ Mai hoa quyền (五路梅花拳) tương truyền là do Minh Tông đại sư sáng tạo khi ông nhìn thấy những cánh hoa mai rơi giữa cơn gió đông, quyện cùng tuyết phủ. Bài này được diễn trên đồ hình giống như 5 cánh hoa mai với 5 đường tiến thoái.

Trong các vị tài thần có Ngũ lộ tài thần (五路财神) tượng trưng cho ngũ hành và các hướng đông, tây, nam, bắc, kể cả trung tâm. Theo quan niệm dân gian của người Hoa, nếu thờ Ngũ lộ tài thần, thành tâm cầu các vị thần này phù hộ thì đi ra đường, theo hướng nào cũng gặp vận may, thu được tài lộc. Nếu ai đó khai trương công ty hay cửa hàng, họ chỉ cần đứng nhìn về hướng cửa chính , miệng đọc câu chú “Sư gia hữu lệnh” (師爺有令, shīyé yǒu lìng), đồng thời dùng tay vẽ 2 chữ “ngũ lộ” (五路) 5 lần rồi viết chữ “ngũ phương” (五方) 5 lần, cuối cùng viết câu “chiêu tài tiến bảo” (招财进宝) 1 lần thì sẽ làm ăn phát tài. Hằng năm vào ngày 5 tháng giêng âm lịch, những người dân lao động thường cúng tế tài thần (thần giàu), tiễn đưa cùng thần (thần nghèo) và nguyện ước những điều tốt lành như xua đuổi tà ma, giải trừ tai họa và đón may mắn. Dĩ nhiên, những điều trên chỉ mang yếu tố tâm linh, tin hay không tùy bạn.

Trong nhân tướng học, “Ngũ lộ” là thuật ngữ dùng để chỉ người có mắt lồi (nhãn lộ), mũi hếch (tỵ lộ), tai lộ (nhĩ lộ), môi cong vẩu (khẩu lộ), yết hầu lộ (hầu lộ). Nếu người nào có đủ “ngũ lộ” thì sẽ thành đạt, hưởng cuộc sống giàu sang phú quí; còn người nào chỉ có 1 hoặc 2 yếu tố thì cuộc đời gian nan, vất vả. Tương truyền rằng Khổng Tử là người hội đủ tướng ngũ lộ.

Ngày xưa, có 5 loại xe ngựa lớn dành riêng cho vua chúa gọi là “Ngũ lộ” (五路), gồm có: Ngọc lộ (玉路: xe nạm ngọc), Kim lộ (金路: xe trang sức bằng vàng), Tượng lộ (象路: xe trang sức bằng ngà voi), Cách lộ (革路: xe bọc da), Mộc lộ (木路: xe đóng gỗ). Ngũ lộ cũng là thuật ngữ dùng để chỉ 5 loại xe ngựa mà các nữ hoàng thời cổ đại sử dụng: Yêm trạch (xe dành cho hoàng hậu, thê thiếp và công chúa), Trùng trạch (xe dùng trong dịp tế lễ), Yên xa (một loại xe nhỏ, quan chức và các tiểu thư cũng có thể sử dụng xe này), Trạch xa (xe trang trí bằng lông chim trĩ , ngoài nữ hoàng, các phi tần thời xưa cũng đi xe này), Liễn xa (loại xe dùng để di chuyển trong cung điện).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào thời Đại Việt, số lượng xe và quy cách xe của vua và hoàng hậu, cung phi đều có quy chế cụ thể, gọi chung là “lộ” (路). Xin lưu ý, lộ (路) ở đây là danh từ, còn lộ (路) tính từ có nghĩa là to lớn. Nơi vua ở thường được ví với sự to lớn nên gọi chung là lộ, ví dụ: cửa nhà của vua gọi là lộ môn (路門), còn chỗ vua ngủ thì gọi là lộ tẩm (路寢).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.