Trong một thứ tiếng Môn-Khmer là tiếng Khmer thì trâu là krobây nhưng đây lại là một từ mà thứ tiếng này đã mượn của một thứ tiếng Malayo-Polynesian là tiếng Mã Lai. Trong tiếng Mã Lai thì trâu là kerbau (còn tiếng Tagalog ở Philippines là kalabáw). Philippines từng là thuộc địa của Tây Ban Nha nên danh từ kalabáw cũng đã đi vào tiếng Tây Ban Nha thành carabao, rồi tiếng Anh cũng mượn theo mà ghi y như thế. Kerbau là một từ Mã Lai gốc Sanskrit, bắt nguồn ở danh từ karabha (với biến thể kalabha), có nghĩa là “voi con”. Với từ nguyên học thì sự chuyển dịch từ “voi con” sang “trâu” không phải là chuyện quái lạ. Mẫu đơn của Việt Nam và của Tàu khác nhau; quần của Việt Nam không phải là quần của Tàu, nhưng cả mẫu đơn lẫn quần đều… gốc Hán.
Gán nguồn gốc Môn-Khmer hoặc Malayo-Polynesian cho từ trâu chỉ là việc trông mặt mà bắt hình dong. Trước đây, chúng tôi đã công bố về nguồn gốc của từ này một vài lần, chẳng hạn trong bài “Dấu nối giữa trâu và ngưu” (với bút danh Huệ Thiên trên Thế giới mới số 224) nhưng vẫn thấy còn có phần quanh co. Lần này chúng tôi tin đã tìm được đúng cái cần tìm.
Trâu là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [犓], mà âm Hán Việt là tru vì thiết âm của nó là trắc ngu thiết [測隅切], như đã ghi trong Quảng vận (1008) và Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993). Tr[ắc] + [ng]u = tru. Hán ngữ đại tự điển ghi cho chữ tru [犓] hai nghĩa: 1.- “dụng thảo liệu uy ngưu dương” [用草科喂牛羊], nghĩa là “nuôi trâu bò, dê cừu bằng cỏ”; 2.- “phiếm chỉ ngưu dương” [泛指牛羊], nghĩa là “chỉ trâu bò, dê cừu nói chung”.
Tiếng Việt đã dùng tru [犓] để chỉ riêng con trâu và âm tru của từ trâu vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong tiếng Nghệ Tĩnh. Việc thu hẹp ngữ nghĩa từ “trâu bò, dê cừu” thành “trâu” hoàn toàn không có gì lạ trong từ nguyên học. Cùng một gốc nhưng Tier của tiếng Đức chỉ động vật nói chung, còn deer của tiếng Anh thì chỉ có nghĩa “hươu, nai” mà thôi.
Sẽ hơi nhầm lẫn nếu cho rằng tru [犓] của tiếng Hán không thể có nghĩa là “trâu” vì bên Tàu không có trâu. Thực ra vào thời cổ đại, con trâu đã có mặt tại vùng Trung Nguyên của Tàu, như đã được khẳng định với nhiều cứ liệu khảo cổ học vật hậu học (phenology), lịch sử văn hóa... Nhà Trung Hoa học người Pháp Jacques Gernet đã khẳng định: “Le bassin du fleuve Jaune est aussi, à l’époque des Chang, l’habitat d’animaux qu’on ne s’attendrait pas à trouver à une latitude aussi élevée: éléphants, rhinocéros, buffles, panthères, antilopes, léopards, tapirs. De l’existence de cette faune tropicale ou subtropicale, les inscriptions retrouvées sur le site de Anyang et les relevés d’ossements apportent une double preuve.”
(La Chine ancienne, Presses Universitaires de France, Paris, 1964, p.35), có nghĩa là: “Vào đời nhà Thương, lưu vực sông Hoàng Hà, còn là môi trường sống của các [loài] động vật, mà ta không ngờ là có thể tìm thấy ở một miền vĩ độ cao đến thế: voi, tê (thường gọi là “tê giác” - NV), trâu, báo, linh dương, báo châu Phi, heo vòi. Những minh văn tìm được tại di chỉ An Dương và những bản kê cứu xương [động vật] đã đem đến một bằng chứng kép về sự tồn tại [ở đó] của hệ động vật nhiệt đới hoặc á nhiệt đới này”.
Cứ như trên thì tru hiển nhiên là một từ Hán Việt vẫn còn tồn tại trong tiếng Nghệ Tĩnh, mà trâu là hình thức “Hán Việt Việt hóa” đang lưu hành trong tiếng Việt văn học và tiếng Việt toàn dân hiện nay.
Bình luận (0)