Lắt léo chữ nghĩa: Nguồn gốc từ cà sa

18/09/2022 07:30 GMT+7

Cà sa là y phục của các tăng ni Phật giáo đã xuất gia. Xét về từ nguyên, cà sa là từ Hán Việt, có 2 giả thuyết về nguồn gốc của từ này.

Thứ nhất, cà sa xuất phát từ chữ 𣮫㲚 thời nhà Hán - phiên âm từ chữ काषाय (kāṣāya) trong Phạn ngữ. Đến đời nhà Tấn, đạo sĩ Cát Hồng (葛洪,283 - 343) đã đổi thành 袈裟 (cà sa) trong quyển Tự Uyển (字苑) rồi trở thành từ chuẩn mực cho đến ngày nay.

Thứ hai, cà sa có nguồn gốc từ chữ चीवर (cīvara) trong tiếng Phạn - một từ có nghĩa ban đầu là vải, về sau dùng để chỉ y phục của các nhà sư. Người Trung Quốc dịch चीवर (cīvara) là y (衣) hoặc pháp y (法衣). Trong Ba lợi Tam Tạng, bộ sưu tập kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy, cà sa được gọi là y kinh (Pali: cīvara sutta) và y bát (Phạn: pātra- cīvara) - pātra (पात्र) là cái bát (Tăng chi bộ, tập 5, kinh 182).

Y cà sa xuất phát từ Ấn Độ cổ đại, khởi thủy là những quần áo vải bỏ đi của người chết hay áo rách trong đống rác, các nhà sư nhặt lấy, giặt sạch, nhuộm rồi mặc. Loại áo này được gọi là phẩn tảo y hay bách nạp y… thường được ráp lại từ những mảnh vải hình chữ nhật giống như thửa ruộng, do đó áo cà sa còn được gọi là phúc điền y (áo ruộng phước) và điền tướng y (áo hình thửa ruộng).

Nhà sư có thể nhận vải cúng dường nguyên tấm của phật tử, nhưng sau đó phải cắt ra thành nhiều mảnh rồi may lại thành áo, do đó cà sa còn tên gọi là cát tiệt y (quần áo cắt rời) và tạp toái y (quần áo làm từ nhiều mảnh ghép lại).
Cà sa có 3 loại chính (tam y): An đà hội (Phạn: antarvāsa), còn gọi là ngũ điều y, loại áo lót bên trong (làm từ 5 mảnh vải khâu lại); Úc đa la tăng (uttarāsanga), còn gọi là thất điều y, loại áo che phần trên của cơ thể (làm từ 7 mảnh vải) - mặc lúc thờ cúng, tụng kinh và sám hối trong chùa; Tăng già lê (saṃghāṭī), còn gọi là đại y, chúng tụ thời y - loại trang phục mặc lúc Pháp hội (thực hiện nghi thức tôn giáo). Ngoài 3 loại trên, còn có thêm loại của phái Tăng kỳ chi và Quyết tu la, gọi chung là "ngũ y” (五衣). Những phụ kiện khác có thể kèm theo là vải thắt lưng và thắt lưng có khóa.

Theo quy định, cà sa không được nhuộm “chính sắc” (xanh, vàng, đỏ, trắng, đen), mà phải “bất chính sắc” để giúp loại bỏ ham muốn mặc trang phục đẹp. Theo luật định, cà sa phải có màu xấu (xanh lục, màu bùn đất, màu đỏ hoa mộc lan). Vì thế, cà sa có nghĩa đen là hoại sắc y (áo màu xấu), nhiễm y (áo nhuộm) và ô sắc y (áo màu bẩn thỉu)…

Sau khi Phật giáo du nhập Trung Quốc, cà sa thường có màu đỏ, về sau là màu tri (缁: đen), lam và nâu; đến nhà Đường thì màu đỏ và đỏ tía; thời nhà Minh có màu xanh lá và đỏ nhạt, khoác áo choàng đen.

Phật giáo Tây Tạng có cà sa màu đỏ, đính nút vĩnh cửu (srīvatsa) và ốc xà cừ (saṅkha). Cà sa Nhật Bản có màu đen, áo choàng vàng, ngoài ra còn có loại màu xanh, gọi là Trực xuyết (Zhiduo) hay Jikitotsu. Những nước theo Phật giáo Nam Tông thì có màu cam hoặc cam tươi hoặc vàng đất (Thái Lan, Sri Lanka); riêng cà sa Myanmar thì màu đất đỏ, nâu đỏ hoặc nâu.

Ở Việt Nam, chư tăng và chư ni mặc áo cà sa màu nâu và vàng sẫm, cư sĩ phật tử thường mặc áo tràng màu lam khi hành lễ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.