Trang SachHayOnline.com nêu ra một cách lý giải cho thành ngữ “quýt làm cam chịu”:
“Một số người làm vườn giải thích rằng: cam và quýt tuy cùng họ với nhau thật, nhưng nếu trồng chung trong một vườn thì cam sẽ kém ngon, còn quýt sẽ to quả hơn, và vị của nó cũng đã khác đi rồi. Vì thế, muốn có cam hay quýt thuần chủng, giữ được hương vị riêng thì phải trồng tách biệt, mỗi loại cây một nơi. Trong một vườn, đã trồng cam thì thôi trồng quýt, mà đã trồng quýt thì thôi trồng cam. Cam mà “làm”, thì quýt phải “chịu”, và ngược lại. Với cách hiểu nghĩa gốc của câu tục ngữ như vậy, thì cam và quýt ở đây là những loài cây trồng, đối tượng của người làm vườn, còn làm hay chịu là hành động của nguời làm vườn ấy!”.Những “người làm vườn” đó cố nặn ra một cách giải thích hợp lý chứ thực ra đây không phải là một lời khuyến cáo về mặt nông học. Huống chi, các dữ kiện trong câu chỉ nêu cam và quýt để chịu trách nhiệm cho nhau mà những người làm vườn đã thêm một nhân vật nữa là chính họ vào thì đây hiển nhiên chính là một sự phi lý.
Câu thành ngữ này xuất phát từ sự giống nhau giữa cam và quýt. Đây là hai loài thực vật cùng họ Rutaceae (họ Cam quýt). Ngay trong văn chương, chúng cũng đã được ghép với nhau cùng một số phận. Chẳng thế mà trong bài Ngôn chí thứ 13, Nguyễn Trãi đã viết: Nghìn đầu cam quýt ấy là tôi.
Ở đây cam và quýt đã được dùng để chỉ những người cùng chung số phận tôi tớ vì sự giống nhau của hai loài thực vật cùng họ mà người xưa sử dụng làm ẩn dụ để chỉ những người có bề ngoài giống nhau, dễ gây ra nhầm lẫn. Có vài quyển đã giảng trên cơ sở của sự giống nhau này như Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương, Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam của Việt Chương, nhưng sát và ngắn gọn nhất là Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức. Quyển này giảng:
“Người nầy gây tội mà người khác phải chịu oan do một sự lầm lẫn”.
Sự lầm lẫn này xuất phát từ chỗ giống nhau ở bề ngoài. Câu thành ngữ bao gồm hai cấu trúc Đề - Thuyết: quýt // làm, cam // chịu. Ở đây, ta không thể đặt từ thì vào giữa hai cấu trúc (Quýt làm thì cam chịu) để kết luận về một sự tất yếu; ta chỉ có thể đặt mà vào giữa hai cấu trúc ấy (Quýt làm mà cam chịu) để thể hiện một sự đối lập. Âu cũng là một trường hợp về tác dụng phụ của từ mà bên cạnh từ thì để xác định sự tồn tại của cấu trúc Đề - Thuyết.
Thực ra, sự oan ức của một cá nhân có khi hoàn toàn không xuất phát từ sự giống nhau về hình dáng, nói rộng ra là về hoàn cảnh của đương sự với (hình dáng hoặc hoàn cảnh của) kẻ phạm lỗi/tội mà xuất phát từ ý muốn ghép tội cho người khác của kẻ xử án để tránh tội cho người mà mình muốn bênh vực một cách phi pháp.
Bình luận (0)