Bát sứ là gì? Nhà văn Nguyễn Công Hoan giải thích: “Bát sứ là thứ bát đẹp được các quan ta đi sứ sang triều đình Trung Quốc mua đem về. Tên bát sứ là tiếng nói rút ngắn của câu: bát của quan đi sứ mang về”.
Lời giải thích này có ba điểm bất ổn. Thứ nhất, với cảm thức bình thường của người nói tiếng Việt, nếu hai tiếng bát sứ thực sự có liên quan đến việc đi sứ, thì nó chỉ có thể có nghĩa là bát mà sứ bộ của ta đem cống cho Tàu, chứ không phải “bát đẹp được các quan ta đi sứ sang triều đình Trung Quốc mua đem về”.
Thứ hai là “bát được các quan ta đi sứ sang triều đình Trung Quốc mua đem về” chỉ là một cái nguồn nhất định và không quan trọng bằng nguồn đồ sứ ký kiểu, là “những đồ sứ do người VN, gồm cả vua, quan và thường dân (chúng tôi nhấn mạnh - AC), đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa, đưa về VN sử dụng”, như Trần Đức Anh Sơn cho biết trong bài
Đồ sứ VN ký kiểu tại Trung Hoa ở bảo tàng cổ vật cung đình Huế (Thừa Thiên Huế Online, 30.4.2018).
Thứ ba là, với một đầu óc luận lý chặt chẽ và tinh tế, ta phải thấy được Nguyễn Công Hoan muốn khẳng định - nhưng đã diễn đạt một cách mơ hồ - rằng sở dĩ cái chất liệu dùng để làm đồ sứ được gọi bằng cái tên “sứ” là do nó giống với cái chất liệu của những cái “bát đẹp được các quan ta đi sứ sang triều đình Trung Quốc mua đem về”. Nói cho thật rõ ra thì, với Nguyễn Công Hoan, sứ trong bát sứ cũng chính là sứ trong đi sứ. Rất sai.
Danh từ sứ chính là tên của cái chất liệu dùng để làm ra những sản phẩm được gọi là “đồ sứ” chứ chẳng có liên quan gì đến việc đi sứ, đi cống cả. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên đã giảng ngắn gọn mà rành mạch rằng sứ là “gốm trắng, không thấm nước, chế từ cao lanh”. Hà Nội có phố Hàng Bát sứ là phố vốn có nhiều cửa hàng bán những sản phẩm làm bằng cái chất liệu nói trên. Đồ sứ là một danh ngữ cùng một kiểu cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa với: đồ gốm, đồ sành, đồ gỗ, đồ nhôm, đồ nhựa..., nghĩa là cấu trúc “danh từ trung tâm chỉ đồ vật + danh từ định ngữ chỉ chất liệu dùng để làm ra đồ vật được nói đến”. Sứ ở đây không đồng nhất với sứ trong đi sứ, sứ bộ, sứ thần...
Sứ là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [瓷,甆] mà âm Hán Việt hiện hành là từ, có nghĩa là “đồ sứ”. Về mối quan hệ phụ âm đầu T « S giữa từ và sứ, ta còn có:
- tà [斜], nghiêng « sà trong cây da sà (viết “xà” là sai);
- tiết [土+屑] (cũng đọc tốt, theo Khang Hy, là bụi nhuyễn, cũng là đồng nguyên tự với tiết [屑] là nhỏ, vụn) « sét, thường gọi là đất sét (thông thường có đường kính hạt nhỏ hơn 2 μm [micromét]);
- tiết [洩], chảy rỉ ra « sét (= chất gỉ của sắt. Dân gian quan niệm đây là chất rỉ ra từ sắt, bất kể đó là kết quả của quá trình sắt bị ô xy hóa);
- [僁], rên rỉ « siết trong rên siết;
- tiêu [醮] (đọc như tiêu [焦] theo Thuyết văn, nay thường đọc thành tiếu), cúng tế « sêu trong sêu tết;
- tinh [精], nhạy bén, giỏi giang « siêng trong siêng năng;
- tửu [滫], nước gạo, nước bột gạo « sữa trong sữa bò, sữa tươi (theo ẩn dụ về chất sệt màu trắng)...
Tóm lại, sứ trong bát sứ không có liên quan gì đến việc đi sứ, đi cống cả.
Bình luận (0)