Lắt léo chữ nghĩa: Tẩn xuất hay tấn xuất?

27/01/2024 06:59 GMT+7

Vừa qua, báo đài đưa tin hàng loạt về việc đại đức Thích Trúc Thái Minh nếu còn sai phạm sẽ bị "tẩn xuất". Nhiều người thắc mắc không hiểu "tẩn xuất" nghĩa là gì.

Có lẽ thông tin trên đã dựa vào cách viết và định nghĩa trong Từ điển Phật học Online: Tẩn xuất là "trục xuất khỏi giáo đoàn". Xin thưa, cách viết "tẩn xuất" chưa chính xác, viết đúng phải là tấn xuất (摈出/擯出, bìn chū). Tấn xuất là thuật ngữ Phật giáo, có nghĩa là sự trục xuất, đày đi, tương ứng với từ tiếng Anh là banishment.

Vì sao cách phiên là tấn chính xác hơn tẩn? Bởi vì theo Khang Hi tự điển, tấn (摈) có phiên thiết là tất nhận thiết (必仞切): t(at) + (nh)an = tấn, do chữ thứ nhất thanh sắc (tất) kết hợp với chữ thứ hai thanh nặng (nhận) sẽ tạo chữ có thanh sắc (tấn); ngoài ra, Khang Hi còn chú âm chữ tấn (摈) là "tân khứ thanh" (賓去聲), tức âm "tân" kết hợp với khứ thanh (thanh sắc) sẽ tạo ra âm "tấn". Từ 2 yếu tố này có thể khẳng định chữ 摈 phiên là tấn chứ không phải tẩn.

Khởi thủy tấn (摈) là dị thể của chữ "傧", nghĩa gốc là "chào đón khách". Ví dụ: Vương mệnh chư hầu, tắc tấn (Nhà vua ra lệnh cho các chư hầu phải tiếp khách) - Chu Lễ. Xuân quan, Đại Tông bá). Hiện nay, tấn (摈) được dùng riêng với nghĩa là từ chối, từ bỏ: Hiền giả tấn quy triều (Người hiền đức bị trục xuất khỏi triều đình) - Hoài Nam Tử. Thuyết lâm huấn.

Xuất (出) là ký tự được nhìn thấy lần đầu trong các bản Giáp cốt văn, nghĩa gốc là "từ trong ra ngoài", đi từ nơi này đến nơi khác, ngược lại với nhập (入: vào). Ví dụ: Xuất, khứ dã (Xuất, có nghĩa là đi) - Ngọc Thiên. Xuất bộ. Về sau chữ xuất mở rộng, có thêm thành nhiều nghĩa khác, chẳng hạn như sự rời đi, gửi đi, bàn giao, chi tiêu, sản xuất và sinh sản…

Xét về từ nguyên, tấn xuất (摈出) có nguồn gốc từ chữ प्रव्राजन (pravrājana) hoặc नाशन (nāśana) trong Phạn ngữ; chữ pabbājana hoặc nāsana trong tiếng Pali; hay ပ-ဗ္ဗာဇန (pa-bavajana) trong tiếng Myanmar - (Từ điển Myanmar-Pali của U Hau Sein). Người Nhật cũng sử dụng thuật ngữ tấn xuất (擯出, ひんしゅつ, hinshyutsu) với nghĩa tương tự như ở Trung Quốc, song từ này còn có nghĩa hiện đại là bấn xích (loại ra, bỏ đi) và bài xích (loại bỏ, loại trừ).

Trong Phật giáo, tấn xuất có nghĩa là "xử phạt các tỳ-kheo hoặc sa-di phạm giới, loại bỏ người đó ra khỏi đoàn thể Tăng giá". Theo chương 21 của Thập tụng luật, những người không tuân thủ Bạch tứ yết ma sẽ không được xuất gia và thọ giới đại giới, nếu phạm nặng thì bị tấn xuất. Tập 17 của Tứ phần luật có các giới luật dành cho các sa-di, nếu sa-di nào không chịu tuân theo sẽ bị phạt, thậm chí là bị tấn xuất.

Theo Tỳ Ni Mẫu Kinh (tập 2), có 2 loại tấn xuất : a. Vĩnh tấn (永摈): khai trừ vĩnh viễn; b. Điều phục (调伏): không được tham gia pháp sự; hoặc bị trừng phạt bằng hình thức gọi là mặc tấn (嘿摈): bị Tăng chúng xa lánh, không trò chuyện, giao tiếp.

Ngoài tấn xuất (摈出), trong Phật giáo còn có những thuật ngữ được dùng tương tự, đó là diệt tấn (灭摈), khu tấn (驱摈), tấn phạt (摈罚), khu xuất (驱出), khu khiển (驱遣), tấn trị (摈治) hoặc chỉ gọi đơn giản là tấn (摈).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.