Lắt léo chữ nghĩa: Thằn lằn hay long?

08/07/2018 10:00 GMT+7

Saure của tiếng Pháp hoặc saur của tiếng Anh bắt nguồn từ danh từ saurus của tiếng Latin, có nghĩa là con thằn lằn (mà phương ngữ Nam bộ gọi là con rắn mối).

Vậy cách dịch brontosaure (Pháp) hoặc brontosaur (Anh) thành "thằn lằn sấm" (Hy Lạp brontê = sấm) và dinosaure (Pháp) hoặc dinosaur (Anh) thành "thằn lằn kinh khủng" (Hy Lạp deinos = kinh khủng)... vẫn đúng với cấu trúc ngữ pháp - ngữ nghĩa của các danh từ đang xét. Nhưng vì ở đây danh từ saurus được mở rộng nghĩa theo ẩn dụ để chỉ loài bò sát nói chung - mà "thằn lằn" thì chưa được "mở" theo cách đó - nên cách dịch saure/saur thành "thằn lằn" có vẻ như không được thích hợp, nhất là có cấu trúc như "thằn lằn kinh khủng" lại là một tổ hợp không lấy gì làm "chặt" nên e không thích hợp với đặc điểm của thuật ngữ chăng.
Người Trung Quốc dịch saure/saur (龍) mà nghĩa gốc là "rồng"; do đó tương ứng với "thằn lằn sấm" là lôi long còn với "thằn lằn kinh khủng" là khủng long. Chúng tôi không rõ động cơ nào đã khiến người Trung Quốc hiện đại lại dịch như thế nhưng người Trung Quốc cổ đại thì đã từng gọi con thằn lằn là "long", nghĩa là con rồng. Ít nhất thì điều này cũng đã được ghi nhận trong một thiên nghiên cứu đặc sắc của Vương Lập Thuyên, nhan đề "Long thần chi mê" (Bí ẩn của thần Rồng), đăng trên Trung Quốc văn hóa (số 5, 12.1991, tr.99, mục 9). Liên quan đến tên gọi này, sách Quốc ngữ, phần "Trịnh ngữ" có chép truyền thuyết lý thú sau đây.
Vào cuối đời nhà Hạ, có hai con rồng ("hữu nhị long") giáng xuống cung điện vua Hạ, tự xưng là hóa thân của vua và hoàng hậu nước Bao, công khai giao phối trước mặt mọi người, niêm dịch chảy ra lênh láng. Vua Hạ lập tức sai người nhanh chóng thu vén niêm dịch đựng vào trong hộp rồi đậy kín. Tám trăm năm sau, Chu Lệ Vương mở hộp ra thì niêm dịch dồn lại thành một con huyền nguyên, tức con thằn lằn màu đen. Con vật này hất đầu nó vào bụng một nàng cung nữ, làm cho nàng thụ thai và sinh được một đứa con gái. Đứa con gái này về sau đã trở thành phi của Chu U Vương. Đó chính là nàng Bao Tự.
Trở lại vấn đề, xin nhấn mạnh rằng danh từ "long" trong truyền thuyết này không chỉ con rồng, mà chỉ con thằn lằn. Có lẽ do mối "lương duyên" xa xưa giữa "rồng" và "thằn lằn" mà người Trung Quốc ngày nay mới dùng "long" (rồng) để dịch saure/saur < saurus (= thằn lằn) chăng? Trở lại với tiếng Việt thì giữa cách gọi "lôi long", "khủng long" với cách gọi "thằn lằn sấm", "thằn lằn kinh khủng" - cách gọi sau có thể thấy được trong Từ điển Pháp Việt của Ủy ban Khoa học xã hội VN do Lê Khả Kế làm tổng biên tập và do Agence de Cooperation Culturelle et Technique (Pháp) ấn hành năm 1981 - thì rõ ràng cách gọi trước xứng đáng trở thành thuật ngữ còn cái cách gọi kiểu như "thằn lằn kinh khủng" thì nghe quả thật là... đáng sợ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.