1. Sui gia là phương ngữ Nam bộ, đồng nghĩa với thông gia là phương ngữ Bắc bộ.
Chúng tôi không đồng thuận với quan điểm này, bởi vì chúng ta biết rằng Từ điển Việt-Bồ-La (1651) là quyển từ điển đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, bao gồm cả từ vựng được sử dụng ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, trong đó chỉ ghi nhận từ sui gia, không có thông gia (tr.703 - 704). Năm 1838, quyển Nam Việt - Dương Hiệp Tự vị của Jean-Louis Taberd xuất hiện, vẫn chỉ có từ sui gia (𡢽家, tr.453), không có thông gia; đến năm 1898 thì trong Dictionnaire Annamite-Francais của J. F. M. Genibrel cũng vậy, chỉ có từ sui gia (tr.707), không hề có thông gia.
Như vậy, sui gia là từ được sử dụng trong cả nước, về sau mới xuất hiện từ thông gia (通家), có thể từ đầu thế kỷ XX. Hiện nay, xét về tần suất sử dụng thì từ thông gia phổ biến ở miền Bắc, còn sui gia phổ biến trong Nam chứ không phải thông gia thuộc phương ngữ Bắc, còn sui gia thuộc phương ngữ Nam.
2. Sui là từ Nôm, còn gia là từ Hán Việt.
Theo chúng tôi, nhận định này không chính xác, vì cả sui và gia đều được ghi nhận bằng chữ Nôm. Sui (𡢽) là chữ thuần Nôm, kết hợp từ 2 chữ Hán là nữ (女) và lôi (雷) theo lối hình thanh; còn gia (家) là chữ mượn nguyên xi từ chữ Hán để tạo thành chữ Nôm theo lối giả tá.
Ví dụ, câu Sui gia (𡢽家) bao nỡ đổi dời chẳng thương” (trích Lục Vân Tiên truyện) hoặc “Sui gia (𡢽爺) đã xứng sui gia” trong Vân Tiên cổ tích tân truyện (Liễu Văn Đường tàng bản), khắc in năm Khải Định thứ 1 (1916).
Nhìn chung, cả hai bản Nôm trên đều ghi nhận chữ sui (𡢽) giống nhau, song chữ gia có khác biệt với 2 cách viết 家 (gia) và 爺 (gia). Chúng tôi cho rằng cách viết 家 (gia) là chuẩn xác, bởi vì chữ này kết hợp với chữ 𡢽 (sui) và đều được ghi nhận trong từ điển (của Taberd và Genibrel), còn chữ 爺 (gia) thì không.
Hiện nay có 2 giả thuyết về từ nguyên của “sui gia” mà chúng tôi cho rằng đáng chú ý: Trong Tầm nguyên tự điển, Lê Ngọc Trụ cho biết chữ sui trong sui gia là từ chữ đối (對), sui gia là đối gia
(對 家). Điều này có lý bởi nếu đọc theo tiếng Quan Thoại thì 對 家 sẽ có âm là duì jiā, nghe khá giống cách đọc từ sui gia trong tiếng Việt. Tuy nhiên, trong từ điển Taberd và Genibrel (sđd) lại không ghi nhận từ đối gia nên chúng tôi bỏ qua quan điểm này.
Trong Wiktionary và Mon-Khmer Comparative Dictionary, từ sui gia được giải thích như sau: sui có nguồn gốc từ âm *p-ruːj (hôn nhân) trong Ngữ chi Việt nguyên thủy; còn gia là từ Nôm có gốc từ chữ 家. Điều này cũng có lý khi ta đối chiếu với tiếng Chăm: paruei para = sui gia = alliés de famille (Từ điển Chăm - Việt - Pháp của G.Moussay).
Xin chú ý: paruei (sui, tiếng Chăm) gần giống với âm “p-ruːj” trong Ngữ chi Việt nguyên thủy.
Tóm lại, sui (𡢽) là chữ Nôm, gia (家) là chữ Hán đã được Nôm hóa. Sui gia là ngôn ngữ toàn dân chứ không phải phương ngữ Nam bộ. Tất cả những từ điển mà chúng tôi hiện có đều ghi nhận chữ sui (𡢽) giống nhau. Chữ sui là từ Việt cổ, không có nguồn gốc từ Hán ngữ.
Bình luận (0)