Lắt léo chữ nghĩa: 'Tị' có nghĩa là thai nhi?

28/12/2024 07:26 GMT+7

Năm 2025 là năm Ất Tị tính theo âm lịch. Nhiều người biết "Tị" là biểu tượng cho con rắn trong 12 con giáp, song trên thực tế, thuật ngữ này còn nhiều nghĩa khác.

Tị từ Hán Việt, có nguồn gốc từ chữ 巳 (sì, yǐ) trong Hán ngữ. Khang Hi tự điển cho biết 巳 được phát âm giống như tự

(似, ni); tuy nhiên, theo Thuyết văn giải tựĐường vận, 巳 có thiết âm là "tường lí" nên người Việt phiên là tị (巳 = t(ường) + (l)í = tị).

Cách viết Tị (巳) đã từng được ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị (1895), của Huình Tịnh Paulus Của với nghĩa "chữ thứ 6 trong 12 chi"; "tuổi Tị" (Năm sinh để nhằm chữ Tị); "tả tị" (Tiếng nựng con thơ, cũng là nã tị); "thượng Tị" (Ngày mùng ba, tháng ba, chính là ngày tắm giặt cho được trừ ô uế, bất tường). Ở Trung Quốc, "thượng Tị" còn là ngày tảo mộ, nhân cơ hội đi chơi nên còn gọi là "Tiểu Thanh minh" hay "Cổ Thanh minh".

Cách viết Tị cũng phù hợp với chính tả hiện hành, được ghi rõ trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1988), song, theo thói quen xã hội, ngày nay chữ tị (巳) thường được viết là tỵ.

Trong Hán ngữ, tị (巳) là ký tự cổ đại, xuất hiện bằng chữ giáp cốt thời nhà Thương, có hình dạng giống con rắn, đầu hơi tròn, đuôi dài và cong. Những kiểu viết về sau cho thấy chữ tị có biến đổi, chẳng hạn như kiểu kim văn thời Tây Chu, kiểu triện thư và cuối cùng là chữ tị (巳) được viết giống như ngày nay, khởi nguồn từ lối khải thư, tiếp nối từ lệ thư. Ấy là chưa kể những chữ tượng hình khác trong Sở hệ giản bạch Tần hệ giản độc và chữ tị (已) dị thể.

Tị còn là thuật ngữ chỉ tháng tư âm lịch ("Nông lịch tứ nguyệt" - Lịch Thư, Sử Ký của Tư Mã Thiên), tượng trưng cho "rắn-voi" (tị giả xà tượng dã); trong đó, voi là "dương nổi" còn rắn là "âm ẩn", nghĩa là vào tháng tư âm lịch, dương khí nổi lên, âm khí bị ẩn, vạn vật đều có thể nhìn thấy và hình thành nên vật thể.

Đối với người Việt, tị là biểu tượng cho con rắn, giống như trong thiên Vận Hành, Vật thế của Vương Sung - nhà tư tưởng thời Đông Hán. Riêng người Trung Quốc cổ đại, họ còn cho rằng tị thỉ (豕: con heo). Xin đừng nhầm lẫn chữ thỉ (豕) này với thỉ (屎: chất thải bẩn); thỉ (矢: mũi tên để bắn cung) hoặc thỉ (舐: liếm bằng lưỡi).

Ít ai ngờ rằng nghĩa gốc của chữ tị (巳) lại là… "thai nhi" (胎儿). Điều này đã được ghi trong quyển Thuyết văn thông huấn định thanh của Chu Tuấn Thanh (1788 - 1858) - một chuyên gia chú giải văn bản Trung Quốc thời nhà Thanh.

Tị còn nghĩa là sự kết thúc, sự dừng lại (Thích Thiên, Thích Danh của Lưu Hy), về sau nghĩa mở rộng thành "hậu tự", tức người kế tục (Ngọc Thiên của Cố Dã Vương) hoặc là một kiểu cúng bái cầu tự, mong có con nối dõi (Chu Dịch. Tổn Quái).

Tị tương ứng với sao Dực (rắn lửa có cánh) trong Nhị thập bát tú; kết hợp với thiên can để đánh dấu năm, tháng, ngày và giờ (Nhĩ Nhã). Ngoài ra, Tị còn gọi là "Tị thì", biểu thị khoảng thời gian từ 9 - 11 giờ sáng (Thủy Hử truyện. Đệ nhị thập tam hồi).

Xét về Ngũ hành, Tị tương ứng với Hỏa; còn theo thuyết Âm-Dương thì Tị là Âm; về phương hướng, Tị chỉ hướng nam - đông nam.

Năm 2025 là năm Ất Tị (thiên can Ất và địa chi Tị, tức con rắn). Ất Tị kết hợp thứ 42 trong hệ thống đánh số Can Chi, xuất hiện trước Bính Ngọ và sau Giáp Thìn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.