Lắt léo chữ nghĩa: Trâu già gặm cỏ non

13/05/2023 08:55 GMT+7

Có quan điểm cho rằng trong thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, nhiều ông Việt kiều lớn tuổi về VN cưới vợ trẻ hơn, từ đó dân gian xuất hiện câu "Trâu già gặm cỏ non".

Thật ra, Trâu già gặm cỏ non có hàm ý rộng hơn nhiều, nhằm nói về những ông lớn tuổi thích gái trẻ chứ không riêng gì mấy ông Việt kiều. Tục ngữ này có phần giống câu " Già chơi trống bỏi", nghĩa là "người già còn ham muốn những cái không hợp với tuổi mình" vì trống bỏi là loại trống làm bằng giấy, chỉ là đồ chơi của trẻ con.

Xét về nguồn gốc, câu Trâu già gặm cỏ non không phải xuất hiện trong những năm 1980 - 1990, mà từ thời Tô Đông Pha xa lắc xa lơ bên Tàu, nghĩa là từ thế kỷ 11 - 12.

Trâu già gặm cỏ non là câu dịch từ ý bài thơ của Tô Đông Pha thời nhà Tống: Lão ngưu cật nộn thảo (老牛吃嫩草), nghĩa là "Bò già ăn cỏ non". (Xin lưu ý, trước đây nhiều người tưởng rằng ngưu (牛) là con trâu, song chính xác thì ngưu (牛) là con bò, thủy ngưu (水牛) mới là con trâu).

Trương Tiên là nhà thơ nổi tiếng, bạn của Tô Đông Pha. Hôm nọ, Trương Tiên (80 tuổi) mời Tô Đông Pha đến dự tiệc cưới vợ lẽ của ông, nhưng không nói rõ cô dâu mới… 18 tuổi. Tô Đông Pha đến, sửng sốt trước cảnh "ông già cưới gái tơ". Hiểu ý bạn, Trương Tiên mỉm cười đọc ngay 4 câu: "我年八十卿十八, 卿是红颜我白发, 与卿颠倒本同庚,只隔中间一花甲", nghĩa là "Ta tám mươi tuổi nàng mười tám, Nàng là hồng nhan ta bạc đầu. Điên đảo với nàng hai ta cùng tuổi, chỉ cách nhau có sáu mươi năm".

Thấy Trương Tiên đắc ý trước cảnh "Bò già ăn cỏ non", Tô Đông Pha bèn nhạo rằng: 十八新娘八十郎,苍苍白发对红妆; 鸳鸯被里成双夜,一树梨花压海棠, nghĩa là "Cô dâu mười tám chàng rể tám mươi, Tóc bạc kề bên trang sức đỏ; Đôi uyên ương kẹt dưới chăn đêm, Một cây hoa lê đè hải đường". Khi sáng tác câu "Nhất thụ lê hoa áp hải đường"(一树梨花压海棠) ý của Tô Đông Pha muốn nói rằng Trương Tiên là "cây lê", còn cô dâu là "hải đường". Cây hoa lê mà đè hải đường mang hàm ý là "Bò già ăn cỏ non". Kể từ đó, câu Lão ngưu cật nộn thảo (老牛吃嫩草) lan truyền khắp Trung Quốc, về sau được ghi nhận trong Từ điển thường dụng tiếng Khách gia của Bộ Giáo dục Đài Loan.

Trong tiếng Anh cũng có những thành ngữ tương ứng với câu Trâu già gặm cỏ non hoặc Bò già ăn cỏ non, ví dụ như May December Romance (Chuyện tình Tháng Mười Hai Tháng Năm), May-December relationship (mối quan hệ Tháng Mười Hai Tháng Năm). "Tháng Năm" đề cập đến người nữ trẻ, còn "Tháng Mười Hai" ám chỉ ông già. Người ta cho rằng thuật ngữ May December Romance xuất phát từ Truyện cổ Canterbury (The Canterbury Tales) của Geoffrey Chaucer vào thời Trung Cổ. Thuật ngữ này còn gọi đơn giản là May December (Tháng Mười Hai Tháng Năm) hoặc to rob the cradle (cướp nôi) nghĩa là cưới/quan hệ với người trẻ hơn mình.

Ở chiều ngược lại, nếu người nữ lớn tuổi hơn cặp bồ hoặc lấy trai trẻ thì gọi là "Phi công lái máy bay bà già". Đây là cách ví von ở VN: phi công (trai trẻ), máy bay bà già (người nữ lớn tuổi). Trong tiếng Quảng Đông cũng có thành ngữ nói về trường hợp này: bảo lão ngẫu (煲老藕, bou1 lou5 ngau5), nghĩa là "luộc củ sen già", ý nói "vợ lớn tuổi lấy chồng trẻ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.