Lắt léo chữ nghĩa: 'Trí thức tầng bậc cao'?

09/10/2022 07:27 GMT+7

Trí thức là từ Hán Việt, xuất phát từ hai chữ 智識/知识 trong Hán ngữ. Theo bách khoa thư Baidu, trí thức có 2 nghĩa: a. Trí tuệ và sự sáng suố t. Ý này thể hiện trong tác phẩm Hàn Phi tử , thiên Giải lão vào cuối thời Chiến Quốc; b. Kiến thức, được ghi nhận trong quyển Thư giới đình tạp văn . Bệnh hậu tạp đàm của Lỗ Tấn.

Trung Quốc, ý nghĩa của từ trí thức thay đổi theo thời gian. Trong giai đoạn từ năm 206 TCN cho tới năm 1912 sau khi Chúa Jesu ra đời, trí thức được gọi là sĩ đại phu (士大夫), tức thuộc thành phần “học giả - quan chức”, những người thi đỗ trong các kỳ thi của triều đình, được bổ nhiệm làm quan, trong đó có những nhà thư pháp tài giỏi và triết gia Nho giáo.

Đến thời kỳ Đại cách mạng văn hóa (1966 - 1976), trí thức bị liệt vào thành phần thấp kém, đứng thứ 9 trong xã hội qua cách gọi miệt thị là “xú lão cửu” (臭老九), một cụm từ xuất phát từ quyển Cai dư tùng khảo (陔余丛考) của Triệu Dực thời nhà Thanh, trong đó giới trí thức được xếp sau gái điếm (thứ 8) và trước ăn mày (thứ 10). Xin lưu ý: vào thời Đại cách mạng văn hóa thì các tầng lớp trong xã hội có khác thời nhà Thanh và trước đó.

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như Trung Quốc, trí thức được xem là “những người lao động trí óc, có trình độ hiểu biết tương đối cao, có khả năng tư duy độc lập và tinh thần phản biện, được phân bố trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật…”.

Cách hiểu trí thức (智識) ngày nay trong tiếng Trung Quốc có nguồn gốc từ phương Tây, qua thuật ngữ tiếng Anh là intellectual (tính từ), một chữ xuất hiện khoảng cuối thế kỷ 14 với nghĩa là “nắm bắt bằng sự hiểu biết (hơn là các giác quan)”. Từ intellectual lại bắt nguồn từ chữ intellectuel trong tiếng Pháp cổ (thế kỷ 13) hoặc có thể trực tiếp từ chữ intellectualis trong tiếng Latin. Từ năm 1590, tính từ tiếng Anh intellectual biến thành danh từ với nghĩa là “trí óc, trí tuệ, sức mạnh trí tuệ”; còn nghĩa “người trí thức” thì được chứng thực từ năm 1650 song mãi đến đầu thế kỷ 19 mới hình thành nghĩa hiện nay, và được tìm thấy lần đầu trong bài viết của nhà thơ Lord Byron (năm 1813): “Tôi ước mình đủ khỏe để lắng nghe những trí thức này”, trích quyển Absent Minds. Intellectuals in Britain (2006) của Stefan Collini, NXB Oxford University Press.

Thuật ngữ “giới trí thức” trong tiếng Việt hay “trí thức phần tử” (知識分子) trong tiếng Trung Quốc đều có nguồn gốc từ thuật ngữ intelligentsia (tầng lớp trí thức) xuất hiện trong tiếng Anh năm 1905, một từ xuất phát từ chữ intelligyentsiya (Интеллиге́нция) trong tiếng Nga và chữ intelligentia trong tiếng Latin, có lẽ thông qua từ chữ intelligenzia (giới trí thức) trong tiếng Ý.

Tóm lại, có nhiều định nghĩa về trí thức hoặc giới trí thức, song người viết chưa thấy thế giới phân loại “trí thức cao - thấp”. Có thể nhận định “đạo diễn là trí thức tầng bậc cao” như dư luận dậy sóng gần đây, theo kiểu mà giới học thuật gọi là “trí thức tự phong” (self-styled intellectual), song so sánh với những ngành nghề khác, dễ hiểu rằng “đạo diễn trí thức hơn bác sĩ, kỹ sư và nhà giáo” là không nên …

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.