Trong giải thưởng thì chữ giải vốn là dải vì đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [帶], mà âm Hán Việt thông dụng là đái, có nghĩa gốc là “dải rút”, trong Nam gọi là “dây lưng”. Trong giải thưởng thì giải vốn là cái dây vải dùng để treo phần thưởng rồi, với cái nghĩa này, nó lại có nghĩa phái sinh bằng hoán dụ để chỉ chính cái phần thưởng được treo.
Trong giương cao ngọn cờ thì giương hiển nhiên vốn là dương vì đây là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [揚], có nghĩa là “giơ lên cao”, thường được dịch sang tiếng Anh là “to raise” còn trong giương cánh, giương cung..., thì đây mới đích thị là giương vì bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [張] mà âm Hán Việt là trương, có nghĩa là “căng ra, kéo giãn ra”, thường được dịch sang tiếng Anh là “to stretch, to string”. Ngày nay, hai chữ đã nhập một thành giương, rồi do hiện tượng lây nghĩa nên nghĩa của dương đã nhập - một cách giả tạo - vào giương nên giương đã được Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng là “mở, căng ra hết cỡ và đưa lên cao”. Thực ra cái nét nghĩa “đưa lên cao” vốn là nghĩa của dương mà từ điển Hoàng Phê cố nhét vào giương chứ trong giương mắt ếch, chẳng hạn, thì làm gì có chuyện “đưa lên cao”!
Trong dẹp lép thì dẹp bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [葉], mà âm Hán Việt hiện hành là diệp, có nghĩa là “dẹp” (còn nghĩa gốc là “lá cây”). Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức ghi thành giẹp còn Từ điển tiếng Việt của Vietlex thì ghi nhận: “giẹp [cũ, ít dùng] xem dẹp”. Thực ra, giẹp là hậu quả của sự cưỡng chế còn dẹp mới là hình thức gốc chứ không phải là “mới” như từ điển Vietlex đã mặc định.
Vũ Trọng Phụng có một tác phẩm nhan đề là Giông tố. Liên quan đến chữ giông này, từ điển Vietlex có hai mục: “giông bão danh từ, giông và bão [nói khái quát]” và “giông tố danh từ [ít dùng] xem dông tố”. Nghĩa là, theo quyển từ điển này, chỉ có giông trong giông bão mới đúng là giông chứ trong giông tố thì không. Chính vì thế nên tại phần chữ cái đầu D, các tác giả chỉ ghi nhận dông tố mà không có “dông bão”. Đây là một sự chia đôi ngộ nghĩnh vì thực ra ta chỉ có một chữ dông mà thôi, như đã ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum của Pierre Pigneaux de Béhaine, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên. Dông là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [颺], mà âm Hán Việt là dương, có nghĩa là “trời nổi gió”, còn Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) thì giảng là “thanh phong”, tức “gió mát”. Từ “gió mát” đến “dông” là chuyện chuyển nghĩa bình thường về mặt từ nguyên, chẳng có gì là lạ.
Bình luận (0)