Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức giảng lê (lưỡi) là “mũi nhọn cắm ở đầu súng”. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng lưỡi lê là “bộ phận của súng, đầu nhọn thường lắp ở đầu nòng, dùng để đâm”.
Định nghĩa của Khai trí Tiến Đức thì giản lược còn của Trung tâm từ điển học thì chi tiết hơn nhưng lại thiếu chính xác vì lưỡi lê không phải là một bộ phận của súng: nó chỉ là một thứ vũ khí riêng được gắn vào súng mà thôi. Thời kháng chiến chống Pháp, nhiều người VN thường dùng tiếng Pháp baïonnette để chỉ lưỡi lê. Vậy ta thử xem trong tiếng Pháp thì baïonnette có nghĩa là gì. Định nghĩa đơn giản nhất có thể thấy được là: “Arme pointue qui s’ajuste au canon d’un fusil” (vũ khí nhọn [được] lắp vào nòng một cây súng). Thì vẫn là một thứ vũ khí riêng biệt. Vậy tên của thứ vũ khí riêng biệt này trong tiếng Việt đến từ đâu? Từ điển Hoàng Phê thường ghi chú chữ Hán cho nhiều mục từ mặc nhiên được xem là có gốc Hán đã không chú thích chữ Hán cho mục từ này.
Vậy lê trong lưỡi lê đến từ đâu? Lưỡi lê, tiếng Hán hiện đại gọi là thích đao [刺刀], với chữ thích [刺] là dùng vật nhọn mà đâm. Đây cũng là chữ thích thường được nghe đến trong danh ngữ thích khách, nghĩa là kẻ ám sát. Thích còn có nghĩa bóng là dùng lời lẽ sâu cay để chỉ trích cái sai, cái xấu của người khác, như trong phúng thích.
Xem ra, lê trong lưỡi lê, với tính cách là một thứ vũ khí, chẳng có dây mơ rễ má gì với hai tiếng thích đao về mặt từ nguyên. Nó chỉ liên quan đến tên một loài hoa dùng để tả cảnh mùa xuân trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du mà thôi.
Đó là hoa lê:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Nhưng hoa lê trắng với quả màu vàng nhạt của nó thì liên quan gì đến lưỡi lê? Thế mà có đấy. Trong các loại vũ khí của Trung Quốc ngày xưa, có loại gọi là lê hoa thương [梨花槍]. Đây là một cây thương ở đầu có gắn một ống chứa hỏa dược, phun lửa để đốt địch quân, nếu chưa sát hại được kẻ địch mà đã hết lửa thì dùng tiếp mũi thương mà đâm. Những đốm lửa từ ống chứa hỏa dược phun ra được xem như là giống những bông hoa lê tung tóe, do đó mà loại vũ khí này được gọi là lê hoa thương. Nó có thực sự giống hoa lê hay không là chuyện nhãn quan của người Trung Hoa thời đó, không phải của chúng ta. Tương truyền vợ của Lý Toàn đời Tống là Dương Diệu Trinh đã chế ra thứ thương này nên nổi tiếng là “Nhị thập niên lê hoa thương, thiên hạ vô địch thủ” [二十年梨花枪, 天下无敌手], nghĩa là “Hai mươi năm lê hoa thương, [họ Dương] không có địch thủ trong thiên hạ”.
Lê hoa thương đi vào tiếng Việt chỉ độc với cái âm đầu trong tên của nó là lê mà thôi. Đồng thời, với lê hoa thương thì cái thương, với mũi nhọn của nó là chính, còn ngày nay thì cây súng mới là vật chính mà ở nòng thì có gắn lưỡi lê. Sự khác nhau đó là hiện tượng bình thường của việc vay mượn trong ngôn ngữ.
Bình luận (0)