Lắt léo chữ nghĩa: Từ nguyên của 'tổ' trong 'tổ tiên'

10/08/2024 07:00 GMT+7

Hiện nay, có 4 quan điểm chính về nguồn gốc và ý nghĩa của từ "tổ" (祖)trong "tổ tiên" (祖先), trong đó có quan điểm cho rằng "tổ" là biểu tượng của bộ phận sinh dục nam, thông qua ký tự thả (且).

Tổ là từ Hán Việt, có nguồn gốc từ chữ 祖 (zǔ) trong Hán ngữ. 祖 là ký tự xuất hiện trong Giáp cốt văn thời nhà Thương, nghĩa gốc là tổ tiên, từ ông nội trở lên đều có thể gọi là "tổ" (Hán Thư, Vương Mãng truyện, thượng). Về sau, tổ mở rộng nghĩa là "vị vua góp phần tạo dựng đất nước" (Cốc lương truyện,. Hy công thập ngũ niên); hoặc là "đền thờ tổ tiên" (Thư, Thuấn điển). Trong bài Tặng Thiệu Minh thượng nhân của Giả Đảo thời nhà Đường, tổ có nghĩa là "tổ sư" - người có lời nói, việc làm và thành tích được thế hệ sau ngưỡng mộ hoặc người sáng lập một môn phái hay ngành nghề, ví dụ: "Điền tổ, thủy canh điền giả, vị Thần Nông dã - điền tổ là người đầu tiên làm ruộng, tức là Thần Nông vậy" (Trịnh Huyền).

Ngày nay, tổ (祖) còn có nghĩa là khởi đầu; nền tảng, cơ bản, bắt chước, kế thừa, biện hộ, quen biết, bảo tồn; thờ cúng thần đường khi đi du lịch hay lễ tế người chết sắp được chôn cất…

Tổ (祖, zǔ) có cấu tạo hình thanh; nghĩa phù là kỳ (礻示, shì), thanh phù là thả (且, qiě); về sau thả (且) còn được xem là nghĩa phù. Thả (且) có âm Hán Việt khác là thưtồ, ở đây chúng tôi sử dụng âm thả (thiển dã thiết). Chữ 且 có nhiều cách viết từ Giáp cốt văn, Kim văn, Triện văn cho đến Lệ thư, Khải thư và có từ 5 dị thể trở lên.

Bách khoa thư Baidu khẳng định: Thả (且) và tổ (祖) có cùng một cách viết vào thời nhà Thương. Thả (且) có nghĩa gốc là tổ tiên: "Hán chi thánh giả, tại cao tổ chi tôn thả tăng tôn giả" (Thánh nhân nhà Hán là cháu chắt của tổ tiên chúng ta) - Hán Thư, Giao tự chí thượng. Theo Baidu, có 4 quan điểm chính về nguồn gốc và ý nghĩa của từ thả (且):

a. Quách Mạt Nhược (1892 - 1978) cho rằng ký tự 且 trông giống bộ phận sinh dục nam, tượng trưng cho tổ tiên. Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu Phó Vĩnh Hòa và Lý Linh Phác bác bỏ quan điểm của Quách Mạt Nhược, cho rằng đó chỉ là suy đoán, vì "người xưa tin rằng khả năng sinh sản là do thế lực huyền bí, một yếu tố bí ẩn đến từ Thượng đế chứ không phải từ sinh lý của con người" (Dịch tổ tỉ, Hướng Quang Trung chủ biên, Quảng Đông Giáo dục xuất bản xã).

b. Trong quyển Văn nguyên (文源), Lâm Nghĩa Quang (? - 1932) viết: Thả (且) là cách viết của trở (俎) thời cổ đại, chỉ cái mâm (hoặc thớt), trên mâm có hai miếng thịt là những đường nằm ngang (Hán ngữ đại tự điển, Tứ Xuyên từ thư xuất bản xã).

c. Trong quyển Thường dụng tự giải, học giả người Nhật Bạch Xuyên Tĩnh (1910 - 2006) cho rằng thả (且) giống như cái thớt, gọi là án bản, tức loại thớt thái rau (thái đôn tử).

d. La Chấn Ngọc (1866 - 1940), một nhà cổ sinh vật học, tin rằng ký tự thả (且) tượng trưng cho tấm bia của tổ tiên hoặc là bài vị làm bằng gỗ hoặc những tảng đá xếp chồng lên nhau.

Nhìn chung, giới học thuật Trung Quốc và những quốc gia khác chưa thống nhất cách hiểu từ nguyên của thả (且). Song nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận rằng thả (且) là "hình ảnh một tấm bia tưởng niệm" (picture of a memorial tablet) - YellowBridge; hoặc là bài vị hay bàn thờ (altar) - nhà nghiên cứu Mỹ Richard Sears, người thành lập trang Chinese etymologies 字源 (hanziyuan.net).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.