Từ và tự là 2 từ Hán Việt, có nguồn gốc từ Hán ngữ. Từ (詞) thuộc bộ ngôn, cấu tạo hình thanh và hội ý (Lục thư), gồm 2 phần: ngôn (言) - biểu ý và tư (司) - biểu âm. Ký tự này lần đầu được nhìn thấy vào thời Chiến Quốc (khoảng thế kỷ thứ 5 TCN đến năm 221 TCN). Nghĩa gốc của từ là sự thể hiện bên ngoài của những suy nghĩ bên trong, cụ thể là lời nói. Ngoài ra, từ còn đề cập phong cách văn học và thơ ca cổ xưa, chẳng hạn như Tống từ (宋词), Từ bài (词牌).
Tống từ là lời bài hát, một thể thơ khởi nguồn từ nhà Lương thời Nam triều, hình thành vào thời nhà Đường và đạt đến đỉnh cao trong thời nhà Tống (Nhàn tình ngẫu ký của Lý Ngư thời nhà Thanh); còn Từ bài là tên giai điệu tiêu chuẩn của từ, tức tên ban đầu của một phần âm nhạc gần như cố định, thường được sử dụng để điền vào lời bài hát trong các triều đại nhà Đường và Tống.
Từ bao gồm các nghĩa sau: "Tên thể văn có vần biến thể từ Nhạc phủ, có thể phổ nhạc được" (Nhạc phủ cổ đề tự của Nguyên Chẩn đời Đường); "tên thể văn trong các phần ngôn ngữ và văn bản kịch, ca khúc và các nghệ thuật khác" (Tân quan sát). Từ còn là "lời nói, lời văn" (Công Dương truyện. Chiêu Công thập nhị niên); "kể, giải thích" (Lễ Ký. Tăng Tử vấn); "đơn vị cơ bản trong tổ hợp ngôn ngữ, có thể sử dụng độc lập và có chức năng âm thanh, ý nghĩa và ngữ pháp" (Thả giới đình tạp văn nhị tập của Lỗ Tấn). Ngoài ra, từ còn là "lời tranh cãi, kiện tụng", "mượn lời", "từ biệt", "thừa kế", "lý do"…
Tự (字) thuộc bộ tử, cấu tạo hình thanh và hội ý (Lục thư), gồm 2 phần: miên (宀) - biểu ý và tử (子) - biểu âm. Ký tự này xuất hiện lần đầu trên các bản khắc đồng vào thời nhà Thương, qua kiểu viết Kim văn. Hình tượng cổ xưa của từ biểu thị cho việc "mang thai" (Luận hành khí thọ của Vương Sung đời Hán) rồi "sinh con" (Dịch. Truân Quái), sau đó mở rộng đến "nuôi con" (Thi Kinh. Đại Nhã. Sinh dân).
Vào thời cổ đại, các ký tự tượng hình được gọi là văn (文), những chữ dựa trên các ký tự tượng hình gọi chung là tự (字), về sau mở rộng thành những thứ được viết bằng chữ, ví dụ như phông chữ (tự thể), tác phẩm thư pháp, thư từ (thư tín), ghi chú… Tự cũng có nghĩa là tên tự, bí danh của một người, thường liên quan đến ý nghĩa tên của người đó (Sự phát triển của chữ Hán và nguồn gốc văn hóa, Quảng Đông Giáo dục xuất bản xã, 2012).
Xét về danh từ, tự còn có nghĩa là "giấy tờ", "khế ước", "âm đọc", "con gái đã hứa hôn"…
Nhìn chung, từ là lời nói hay câu viết, biểu thị ý nghĩa hoàn chỉnh; hoặc là "đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa và cấu tạo ổn định, dùng để đặt câu" (từ đơn, từ ghép, từ đa âm…); trong khi tự có nghĩa là chữ (Đại Nam Quấc âm tự vị) chứ không phải là lời nói, chẳng hạn như: "đan tự" (chữ đơn), "Hán tự" (chữ Hán).
Ngày xưa, từ điển là sách tra âm và nghĩa từ ngữ (lời nói, nhóm chữ); còn tự điển là sách tra âm và nghĩa của từng chữ, cung cấp ví dụ và cách sử dụng chữ. Song ngày nay, hai thuật ngữ thường được hiểu giống nhau: "Tự điển d. (cũ). Từ điển" (tr.1111, Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1988).
Bình luận (0)