Lắt léo chữ nghĩa: 'Tuần trăng mật' có nguồn gốc từ đâu?

08/07/2023 06:43 GMT+7

Nhiều người nghĩ rằng tuần trăng mật là khoảng thời gian 7 ngày hai vợ chồng đi đâu đó, hưởng hạnh phúc bên nhau sau đám cưới. Thật ra, "tuần" không phải là một tuần lễ.

"Tuần trăng mật" là khái niệm dịch từ thành ngữ Lune de miel trong tiếng Pháp từ nửa cuối thế kỷ 19, từng được ghi nhận trong quyển Nhân chủng học và lược khảo thân tộc học của Lịch Bửu (NXB Lửa Thiêng, 1865, tr.113). Cụm từ Lune de miel lại có nguồn gốc từ chữ honeymoon trong tiếng Anh hiện đại, còn honeymoon là biến thể của hony moone, cách viết đầu tiên của tuần trăng mật, được tìm thấy trong quyển Proverbs of John Heywood (1546).

Honey có nghĩa là mật ong, cho dù viết là hony (tiếng Anh trung cổ) hay hunig (tiếng Anh cổ đại) thì đều có nguồn gốc từ chữ honig (mật ong) trong tiếng Đức (dạng tiếng Đức nguyên thủy là *hunang-). Moon có nghĩa là mặt trăng, tiếng Anh trung cổ là mone, tiếng Anh cổ đại là mona; tất cả đều xuất phát từ chữ *menon- trong tiếng Đức nguyên thủy. Song ngày nay, tương ứng với honeymoon lại là từ flitterwochen (tuần trăng mật) trong tiếng Đức hiện đại.

Tuần trăng mật là cụm từ gợi lên sự ngọt ngào, say đắm của những mối quan hệ yêu đương như mật ngọt, một phép ẩn dụ tương ứng với việc vợ chồng tiêu thụ các chất làm ngọt trong giai đoạn đầu của hôn nhân, những chất được cho là có đặc tính kích thích tình dục, thúc đẩy khả năng sinh sản hoặc mang lại điềm lành cho các cặp vợ chồng mới cưới, ví dụ như rượu mật ong của người Đức; đường của người Trung Quốc và người theo đạo Hindu; mật ong ở Ai Cập cổ đại...

Tuần trăng mật khởi đầu từ Vương quốc Anh từ đầu thế kỷ 19, nơi những vợ chồng mới cưới cùng nhau đi du lịch đâu đó. Phong tục này lan truyền khắp châu Âu. Từ những năm 1920 người Pháp gọi việc đi hưởng tuần trăng mật là "voyage à la façon anglaise" (chuyến đi kiểu Anh). Về sau, khi tập tục này lan truyền đến châu Á thì người Trung Quốc gọi là mật nguyệt lữ hành (蜜月旅行), Nhật Bản gọi là tân hôn lữ hành (しんこんりょこう) - cả hai đều có nghĩa là chuyến đi hưởng tuần trăng mật của đôi vợ chồng mới cưới.

Chữ tuần trong tuần trăng mật không dùng để chỉ 7 ngày (tuần lễ), cũng chẳng phải là tuần (旬: 10 ngày) theo cách hiểu xưa qua âm lịch: 1 tháng có 3 tuần (thượng tuần, trung tuần và hạ tuần). Và tuần cũng không phải là 10 năm theo truyền thuyết "1 ngày trên trời bằng 1 năm dưới trần", để rồi người ta dựa vào đó để chúc thọ: "bát tuần thượng thọ" (sống thọ 80 năm). "Tuần" ở đây có nghĩa là tuần trăng, chu kỳ mặt trăng đi qua hết các pha mặt trăng, với độ dài bình quân gần 1 tháng (khoảng 29,5 ngày). Trong nhiều ngôn ngữ hiện đại, tương ứng với honeymoon là những từ dịch sao phỏng theo nghĩa đen (calque). Ví dụ: mật nguyệt (蜜月), nghĩa là "trăng mật" trong tiếng Trung Quốc và Nhật Bản; hay Lune de miel trong tiếng Pháp (lune: mặt trăng hoặc tháng; miel: mật ong); mah-e-asal trong tiếng Ba Tư (Iran ngày nay), được dịch là "tháng mật ong " hoặc "trăng mật".

Ngày nay, theo Cambridge Dictionary, thuật ngữ honeymoon có 2 nghĩa: (1) Một kỳ nghỉ do hai vợ chồng thực hiện ngay sau khi họ kết hôn; (2) Khoảng thời gian ngắn khi bắt đầu một công việc mới, một chính phủ mới… giai đoạn không có sự chỉ trích của bất cứ ai (honeymoon thường viết ở dạng số ít hoặc viết là honeymoon period). Từ thế kỷ 21, trong tiếng Anh xuất hiện thêm thuật ngữ solomoon (còn gọi là unimoon), dùng để chỉ một xu hướng du lịch mới, một kỳ nghỉ tách biệt giữa hai vợ chồng mới cưới, nghĩa là không có người phối ngẫu của họ đi cùng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.