Một là chữ tai [顋] bộ hiệt [頁]. Đây là một chữ thuộc vận mục hai [咍], thường đọc thành thai. Thiết âm của nó trong Quảng vận là tô lai thiết [蘇來切]. T[ô] + [l]ai = tai. Nghĩa của nó là “[gò] má” (nên thường được dịch sang tiếng Anh thành “cheek”). Đi vào tiếng Việt thì nó nhích lên trên để chỉ cơ quan của thính giác (Anh: ear; Pháp: oreille). Chỉ cách nhau không đầy gang tấc nên sự “nhúc nhích” ngữ nghĩa này là chuyện hoàn toàn bình thường. Chữ này có một dị thể tự là chữ [腮] bộ nhục [月= 肉], bị coi là không chuẩn. Nhưng xin nói ngay rằng đây không phải là tai trong tóc tai vì tóc mà đi với tai (cơ quan thính giác) thì sẽ là một đôi đũa lệch. Mày râu nhẵn nhụi thì cả lông mày lẫn râu ria đều được tỉa tót ngay ngắn, cân đối; áo quần bảnh bao thì cả quần lẫn áo đều trông bắt mắt; cây cỏ xanh um thì cả cỏ lẫn cây đều xanh um; hoa lá tốt tươi thì cả hoa lẫn lá đều tươi tốt; chứ tóc tai bù xù thì vành tai, lỗ tai, mang tai đâu có bù xù. Xin nhớ rằng ở đây ta đang nói về những cấu trúc đẳng lập mà cả hai thành tố đều là những từ có nghĩa hoặc vốn có nghĩa.
Hai là chữ tai [鰓] bộ ngư [魚]. Đây là một chữ cùng thiết âm với chữ tai [顋] bộ hiệt [頁] trong Quảng vận. Tai [鰓] là mang cá (nên được dịch sang tiếng Anh là “gill; branchia”). Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, “Lân trùng loại đệ tam thập tam”, câu 15, đã giảng lô cư [鱸䱟] là “cá vức bốn tai” (Lô cư cá vức bốn tai). Tai ở đây hiển nhiên là “mang [cá]”. Từ hải, bộ cũ, có mục tứ tai lô [四鰓鱸], tức “cá lô bốn mang”. Quảng vận giảng tai [鰓] là “ngư giáp [魚頰], tức là “[gò] má cá”. “[Gò] má cá” dĩ nhiên là “mang cá” và sở dĩ có lời giảng “độc đáo” này của Quảng vận thì chỉ là vì, suy đến cùng tai [顋] (gò má) và tai [鰓] (mang cá) là hai từ đồng nguyên. Điều này cũng đã được Lưu Quân Kiệt [刘钧杰] chứng minh trong Đồng nguyên từ điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999, tr.6). Hiện tượng đồng nguyên này cũng góp phần giúp cho ta hiểu được tại sao tiếng Việt lại ghép hai từ mang và tai (thành mang tai) để chỉ phần sau bên dưới của tai người.
Ba là chữ tai [䰄] bộ biêu/bưu [髟], mà Ngọc thiên (dẫn theo Khang Hy) giảng là “tiểu phát” [小髮], tức “tóc con, tóc ngắn”. Đây mới đích thị là chữ tai trong tóc tai, một cấu trúc đẳng lập gồm hai từ cận nghĩa. Điều này chứng tỏ rằng tai (tóc con) là một từ cổ, xưa kia từng được dùng độc lập. Còn bây giờ thì nó đã chết. Nhưng “hóa thạch” của nó thì vẫn còn hiện diện trong danh ngữ tóc tai. Cũng vậy, tai là mang cá từng là một từ độc lập nên mới được dùng trong câu Lô cư cá vức bốn tai của Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, như đã dẫn ở trên.
Bình luận (0)