Lắt léo chữ nghĩa: 'Vô tiền khoáng hậu' là cách nói đúng hay sai?

18/10/2020 09:38 GMT+7

Tiếng Việt có những chữ không bắt nguồn từ một chữ Hán: [空], mà âm Hán Việt cũng là không.

Không (1) là cách đọc chữ số “0”, đặc biệt là khi nói về giờ giấc, tỷ số, ví dụ: Kết quả trận chung kết đơn nam giải Roland Garros 2020 giữa Rafael Nadal và Novak Djokovic là “sáu - không” (6-0) ở set 1.
Không (2) là phó từ dùng để phủ định tính chất hoặc hành động do vị từ hoặc ngữ vị từ đi liền sau nó biểu hiện; ví dụ: Ở đây cửa Phật là không hẹp gì (Truyện Kiều, câu 2076); Năm nay (2020), Roger Federer không tham dự giải Roland Garros... Trong sáu chữ không thì không (2) có tần số sử dụng cao nhất.
Không (3) được Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên ghi chú là tính từ (tức vị từ tỉnh - NV) và giảng là: “1 ở trạng thái hoàn toàn không có những gì thường thấy: cái hộp không, vườn không nhà trống [...]. 2 ở trạng thái hoàn toàn rỗi rãi, không có việc gì làm hoặc không chịu làm việc gì: chỉ độc ngồi không; ăn không ngồi rồi. 3 ở trạng thái hoàn toàn không có thêm những gì khác như thường thấy hoặc như đáng lẽ phải có: ăn cơm không; làm công không [...]. 4 ở trạng thái hoàn toàn không kèm theo một điều kiện gì: cho không [...]. 5 [khẩu ngữ] ở mức độ gây cảm giác như là không có gì cả: cái thùng nhẹ không, việc dễ không”.
Không (4) là danh từ mà Từ điển tiếng Việt 2008 giảng là: “khoảng không gian ở trên cao, trên đầu mọi người: bay lượn trên không; vận tải đường không”.
Không (5) là một thuật ngữ Phật giáo mà Từ điển tiếng Việt 2008 giảng là: “cái không có hình dạng, con người không ý thức được, theo quan niệm của đạo Phật [nói khái quát]; đối lập với sắc: quan niệm sắc sắc không không của đạo Phật”. Còn Từ điển Phật học Hán Việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên (NXB Khoa học xã hội, 2002) thì giảng: “Trống không, không có thật, không có cảnh, không có thể. Tất cả các sự vật trong tam giới đều không phải là thật. Nhận ra điều đó tức là Không”.
Không (6) là một hình vị Hán Việt phụ thuộc mà chúng tôi muốn nói rõ vì nó thường bị thay bằng [無] trong thành ngữ không tiền khoáng hậu [空前曠後] thành “vô tiền khoáng hậu”. Đây là một lối nói sai so với hình thức gốc do sự đánh đồng ngữ nghĩa giữa không [空] và [無]. Thực ra thì [無] có nghĩa là “không”, còn không [空] thì lại có nghĩa là “trống” cả về không gian lẫn thời gian như: không bạch [空白] là “trống trơn, để trống, để trắng (tờ giấy)”; không địa [空地] là “đất trống, chỗ trống”; không tử [空子] là “chỗ trống, lúc rảnh”; sáp không [揷空] là “tranh thủ lúc rảnh rỗi”; điền không [塡空] là “điền vào chỗ trống; lấp chỗ trống”... Trong thành ngữ không tiền khoáng hậu [空前曠後] thì không [空] cùng thuộc một trường nghĩa với khoáng [曠] vì khoáng là “rộng rãi, trống trải”. Còn [無] là một hình vị dùng để phủ định, có nghĩa là “không”, như: vô biên, vô cảm, vô can, vô danh, vô địch, vô lý... Có một số người hiểu sai không trong không tiền khoáng hậu là “không có”, đồng nghĩa với vô, nên đã làm một thao tác “bác học” mà đổi không tiền khoáng hậu thành vô tiền khoáng hậu. Đây chỉ là hậu quả của một sự siêu chỉnh (hypercorrection) do thiếu hiểu biết mà ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.