Lắt léo chữ nghĩa: Ý nghĩa của chữ 'Thích' trong Phật giáo

18/05/2024 06:53 GMT+7

Chữ "Thích" không chỉ là họ trong pháp danh của nhà sư, mà còn là từ chỉ Phật giáo nói chung. "Thích" là cách đọc Hán việt của chữ 釋 (shì) trong tiếng Trung Quốc.

Ký tự thích (釋) xuất hiện lần đầu tiên trên các bản Giáp cốt văn thời nhà Thương. Theo Khang Hy tự điển, từ này có phiên thiết là "thỉ chích thiết": th(ỉ) + (ch)ích = thích. Đây là từ đa nghĩa, nghĩa gốc là tách rời và phân rã, về sau mở rộng thành "giải thích" (Tả Truyện. Tương công nhị thập ngũ niên) ; "diệt bỏ hết, tan mất" (Lão Tử); "phóng thích, xá tội" (Thi Kinh. Trịnh Phong. Đại thúc vu điền); "cởi (quần áo)" (Đỗ Phủ. Bạch Thủy huyện Thôi thiếu phủ thập cửu ông cao trai tam thập vận) và những nghĩa khác. Riêng về Phật giáo, Thích (釋) là tên viết tắt của Phật Thích-ca Mâu-ni, người sáng lập Phật giáo; ngoài ra còn là từ biểu thị Phật giáo hoặc nhà sư (Cao tăng truyện. Nghĩa giải. Thích Đạo An của Huệ Kiểu thời nhà Lương, Nam triều).

Thích (釋) là họ trong pháp danh của tu sĩ, do đó họ này không được đưa vào danh sách Bách gia tính (Họ của trăm nhà) ở Trung Quốc. Xin đừng nhầm lẫn họ này với họ 戚 (Qī), một họ đứng thứ 33 trong Bách gia tính cũng có âm Hán Việt là "Thích".

Vì sao các nhà sư lấy họ "Thích"? Xin thưa, mọi việc khởi nguồn từ pháp sư Đạo An thời Đông Tấn. Vị pháp sư này sống ở Ngũ Trùng tự tại Trường An, có hàng ngàn tu sĩ theo học đạo. Do các tu sĩ có quá nhiều họ nên khó nhớ và dễ bị nhầm lẫn, pháp sư Đạo An đã nghĩ ra cách đặt họ chung, dựa vào ý của một đoạn trong Tăng nhất a hàm kinh: "hà nhập tứ hải, vô phục hà danh, tứ tính vi sa môn, giai xưng Thích chủng" (bốn sông chảy ra biển, không còn phục hồi tên sông nữa, bốn họ tu khổ hạnh, đều được gọi là dòng họ Thích). Bốn họ đó là: 1. Sát lợi chủng (Sanskrit: क्षत्रिय, kṣatriya): tầng lớp quý tộc, chiến binh trong xã hội Hindu cổ đại; 2. Bà La Môn chủng (ब्राह्मण, brāhmaṇa): những người theo đạo Bà La Môn; 3. Cư sĩ chủng (गृहपति): lớp người tại gia mộ đạo Phật; 4. Thủ đà la chủng: hàng tiện dân. Trong đó, śūdra (शूद्र) là nam giới thuộc tầng lớp thấp nhất, còn śūdrā (शूद्रा) là nữ giới thuộc tầng lớp thấp nhất.

Trong Thập tụng luật của kinh Pháp Hoa Văn Cú có câu: "tứ tính xuất gia, đồng nhất Thích chủng", nghĩa là "bốn họ là người tu hành, đều cùng một dòng Phật giáo", tức cùng chủng Thích. Pháp sư Đạo An đề nghị các nhà sư lấy họ "Thích", dựa vào tên Phật là "Thích-ca Mâu-ni".

Song cần lưu ý, Thích-ca Mâu-ni chỉ là cách gọi Hán Việt của 释迦牟尼 (shì jiā móu ní) - một cụm từ mà người Trung Quốc phiên âm từ tiếng Phạn śākyamuniḥ (शाक्यमुनि) - tức "hiền nhân của śākya" (śākya là tên của một bộ tộc và đất nước thời Ấn Độ cổ đại).

Cái tên śākya (शाक्य) chính là Thích-ca (释迦). Trong giai đoạn đầu tu tập, Pháp sư Đạo An lấy tên là Trúc Đạo An (theo họ của người thầy là Trúc Phật Đồ Trừng), về sau ông đổi thành Thích Đạo An để trở thành người tiên phong mang họ Thích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.