Lật tẩy đường dây thu mua bùn, đất thải công trình

12/11/2020 06:06 GMT+7

Đất, bùn thải từ công trình được đưa về các điểm tập kết, dùng máy móc sàng lọc, rửa lấy cát và thải bùn, tạp chất. Cát được đem bán để xây dựng, bùn và tạp chất thải trực tiếp ra sông, rạch gây ô nhiễm môi trường.

Theo điều tra của PV Thanh Niên, đất, bùn thải được xe ben vận chuyển từ công trình trên đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM) chở về tập kết tại địa điểm “chui” (ở các quận: 2, 9, Thủ Đức), sau đó dùng máy chuyên dụng sàng lọc lấy cát. Cát này được bán ra thị trường ở TP.HCM phục vụ xây dựng nhà cửa, công trình.

Quy trình rửa bùn, đất thải lấy cát xây dựng

Đêm 6.10, xe ben chở đất thải từ công trình trên, về đổ tại bãi đất trống (tổ 27, KP.3, P.An Phú, Q.2), sáng 7.10 thì có 4 người vận hành máy sàng thực hiện công đoạn lọc lấy cát. Đất, bùn thải chứa trong hố lớn, được múc bỏ vào bồn chứa của máy sàng để lọc bùn, cát và tạp chất rắn (sỏi, sạn, rác...). Bùn theo nước chảy qua sàng lọc, chất rắn tách qua một bên, cát được giữ lại. Cát lấy trong bùn, đất thải có màu vàng sáng được dồn vào vị trí riêng xuất bán; tạp chất, bùn thải trực tiếp ra khu đất và con rạch phía sau. Tiếng động cơ máy sàng cát vang dội cả khu vực.
Tương tự, ngày 8.10, PV Thanh Niên cũng ghi nhận công việc sàng lọc, rửa bùn, đất thải lấy cát tại điểm tập kết nằm trong khu đất dưới chân cầu Rạch Chiếc (thuộc P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) diễn ra liên tục. Tại đây, nước được bơm trực tiếp từ sông Rạch Chiếc để phục vụ việc sàng cát. Bùn thải, đất, đá, sỏi được xả thẳng xuống khu bờ sông Rạch Chiếc. Bùn chảy thành từng dòng xuống sông, nước tại khu vực này đổi màu.
Chiêu trò 'xử lý' bùn, đất thải công trình: Lật tẩy đường dây thu mua bùn, đất thải công trình1

Cát được sàng lọc từ bùn, đất thải được tách ra riêng chở đi bán phục vụ xây dựng, trộn bê tông

Ảnh: Mã Phong

Trong vai người tìm mua nguồn cát để cung cấp cho các thầu xây dựng, chúng tôi đến bãi tập kết bùn thải tại KP.3, P.An Phú, Q.2 hỏi mua. Tại đây, một người đàn ông cho hay, cát này được sàng lọc từ đất thải các công trình nên có giá rẻ hơn cát xây dựng lấy từ miền Tây từ 30.000 - 50.000 đồng/m3. Theo đó, giá cát tại đây dao động từ 300.000 - 320.000 đồng/m3. Anh M. (chủ một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại Q.9) cho rằng quy trình lấy cát lọc từ đất, bùn thải của các công trình vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa không đảm bảo chất lượng trong xây dựng công trình nhưng đến nay, không hiểu sao chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý triệt để.

Người dân bức xúc vì ô nhiễm

Đầu tháng 11.2020, hơn 10 hộ dân ở tổ 27, KP.3, P.An Phú (Q.2) phản ánh lên chính quyền địa phương về địa điểm sàng lọc cát từ bùn, đất thải công trình gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Đ.V.T (ngụ địa chỉ trên), một người tên Tùng thuê khu đất trên của bà Minh hơn 1 tháng nay để làm bãi chứa, sàng lọc cát. Từ khuya đến rạng sáng, hàng chục lượt xe ben chở bùn, đất thải về đổ. Ban đêm, tiếng động phát ra từ hoạt động xe ben; ban ngày, tiếng ồn từ máy sàng cát, xe xúc khiến cuộc sống của cả chục hộ dân ở đây bị đảo lộn. Bùn thải từ việc sàng lọc cát được xả thẳng ra rạch phía sau làm rạch này nhuộm màu đỏ. Rạch ô nhiễm nặng khiến cho việc chăn nuôi cá, vịt, gà của các hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa hết, ông M. (hộ dân tại tổ 27, KP.3, P.An Phú) cũng bức xúc, từ trước đến nay ông bơm nước dưới kênh để nuôi thả cá. Từ khi rạch ô nhiễm do bùn đỏ (bãi sàng lọc cát thải ra) khiến ông M. bị bít đường làm ăn. “Hiện nay đến thời gian thay nước 3 hồ nuôi cá, nhưng rạch ô nhiễm nặng nên tôi không biết lấy nước từ đâu để bơm vào. Nếu không thay nước kịp thời, 3 hồ cá - trị giá hàng trăm triệu đồng, sẽ chết hết”, ông M. lo lắng.
Chiêu trò 'xử lý' bùn, đất thải công trình: Lật tẩy đường dây thu mua bùn, đất thải công trình2

Bùn đất được thải trực tiếp trong khu dự án dân cư 154 ha (P.Bình Trưng Đông, Q.2) từ việc sàng lọc lấy cát

Ảnh: Mã Phong

Đáng nói, mặc dù người dân “cầu cứu” chính quyền địa phương xử lý nhưng cách xử lý của cán bộ phường hết sức “bất thường” và chưa làm hết trách nhiệm. Theo ông Th. (ngụ tổ 27, KP.3, P.An Phú), cách đây hơn nửa tháng, ông đã lên UBND P.An Phú trình báo và được hướng dẫn gặp một cán bộ phường để giải quyết. Sau khi ông Th. trình bày, vị cán bộ này hứa sẽ xử lý. Hơn 5 phút sau, ông Th. về tới nhà thì ông Tùng (chủ bãi đất) đến nhà ông Th., hứa sẽ khắc phục. Tuy nhiên, sau đó, việc sàng lọc bùn, đất thải lấy cát vẫn diễn ra thường xuyên. “Tôi không hiểu tại sao mình vừa trình báo cho cán bộ phường thì chủ bãi đã biết tin mà đến nhà nói chuyện”, ông Th. thắc mắc.
Bất thường hơn, khoảng 10 giờ 20 ngày 10.11, PV Thanh Niên đến UBND P.An Phú làm rõ nội dung phản ánh của người dân về bãi sàng lọc bùn, đất thải gây ô nhiễm của ông Tùng thì được giới thiệu gặp cán bộ địa chính tên Hùng. Theo ông Hùng, ngày 9.11, UBND P.An Phú phối hợp với Phòng TN-MT Q.2 kiểm tra thì bãi này dừng hoạt động. Tổ kiểm tra yêu cầu chủ bãi phải ngưng hoạt động, khắc phục việc gây ô nhiễm. Ông Tùng cam kết thực hiện đúng yêu cầu của phường. Thế nhưng lúc 11 giờ 4 phút cùng ngày, chúng tôi đến bãi đất nói trên thì các phương tiện và công nhân tại đây vẫn hoạt động bình thường. PV Thanh Niên gọi điện cho ông Hùng báo tình hình, ông Hùng cho biết sẽ phối hợp với quận xuống xử lý (!?). Hơn 5 phút sau khi PV báo sự việc thì các công nhân lại ngưng làm việc, tắt hết máy móc.
Tương tự, tại khu dân cư 154 ha (P.Bình Trưng Đông, Q.2), sau khi hoạt động sàng lọc lấy cát từ bùn, đất thải rút đi thì khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đất, bùn thải được đổ trực tiếp ra rạch, thậm chí lấp hết các con đường đi của người dân ra vào khu vực này. Tại điểm tập kết thuộc tổ 5, ấp 3, xã Long Thới (H.Nhà Bè), sau khi rửa lấy cát thì bùn, đất được xả thẳng và lấp đầy con rạch nhỏ bên cạnh…
Chiêu trò 'xử lý' bùn, đất thải công trình: Lật tẩy đường dây thu mua bùn, đất thải công trình3

Sàng lọc bùn, đất thải lấy cát dưới chân trụ điện cao thế tại một bãi thuộc tổ 5, ấp 3, xã Long Thới (H.Nhà Bè)

Ảnh: Mã Phong

Phi vụ mua bán bùn, đất thải công trình

Ngày 11.11, Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) Công an TP.HCM cho biết đang lập hồ sơ xử lý đối với hai tài xế xe ben BS 51D-658.17 và 51D-380.64 vì có hành vi vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc. Đây là hai xe ben bị PC05 bắt quả tang khi đang vận chuyển bùn, đất thải từ một công trình xây dựng trên đường Nguyễn Trãi (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) về đổ tại bãi vật liệu xây dựng của Công ty Trần Thịnh Phát (số 79C Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Bình, Q.9) vào khuya 2.11.
Làm việc với công an, ông Nguyễn Ngọc Dung (nhận là chủ hai xe ben nói trên) cho biết ký hợp đồng với Công ty P.T vận chuyển bùn đất từ công trình Q.1 về Q.9 với giá 800.000 đồng/chuyến. Ông Nguyễn Viết Tuấn (chủ bãi vật liệu xây dựng nơi tiếp nhận bùn, đất đổ trộm) khai nhận, mua lại đất bùn thải từ một người tên Bình với giá 1,3 triệu đồng/xe. Từ tháng 4.2020 đến nay đã mua 125 xe bùn đất thải với tổng số tiền hơn 162 triệu đồng. Số bùn, đất thải mua từ nhiều công trình, ông Tuấn mang về bãi để sàng lọc, rửa lấy cát xây dựng mang đi bán.
Theo PC05, qua xác minh công trình xây dựng trên đường Nguyễn Trãi là khu dự án phức hợp - thương mại - dịch vụ - văn phòng - căn hộ có Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Phần bùn, đất thải phát sinh trong quá trình thi công phải đem xử lý tại bãi chứa được cấp phép tại H.Bình Chánh. Việc các xe ben vận chuyển bùn, đất thải từ công trình đem đến các nơi để rửa, lọc lấy cát xây dựng là sai hoàn toàn. PC05 đang mở rộng điều tra đường dây chuyên vận chuyển, buôn bán các loại bùn, đất thải công trình. Làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư cũng như những người liên quan. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.