Động thái trên của Lầu Năm Góc do một số quan chức Mỹ đương nhiệm và cựu quan chức tiết lộ mới đây, theo tờ The Washington Post ngày 10.2. Nếu được chấp thuận, động thái mới sẽ cho phép các binh sĩ đặc nhiệm Mỹ sử dụng các đặc vụ Ukraine để quan sát những hoạt động quân sự của Nga và chống lại tình trạng thông tin sai lệch.
Cụ thể, các quan chức quốc phòng Mỹ đang chuẩn bị một đề xuất để các nhà lập pháp xem xét trong những tháng tới, khi quá trình thảo luận về những chính sách và dự luật tài trợ cho năm tới của Lầu Năm Góc bắt đầu.
Nếu thành công, các chương trình tuyệt mật có thể tiếp tục ngay sau năm 2024, dù vẫn chưa rõ liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có cho phép biệt kích Mỹ quay trở lại Ukraine để giám sát những chương trình đó hay không hay quân đội Mỹ sẽ tìm cách làm điều đó từ một quốc gia láng giềng.
Lầu Năm Góc muốn Quốc hội Mỹ nối lại tài trợ chương trình tuyệt mật ở Ukraine
Không có quân nhân Mỹ nào được cho là đã hoạt động ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào ngày 24.2.2022, ngoài một số lượng nhỏ được giao nhiệm vụ bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Kyiv.
Các nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ cho rằng rất khó để dự đoán kết quả cho nỗ lực nói trên của Lầu Năm Góc, đặc biệt là khi các đảng viên đảng Cộng hòa chia rẽ về những khoản tiền lớn được chi cho Ukraine.
Tướng nghỉ hưu Mark Schwartz, người từng chỉ huy các Chiến dịch đặc biệt của Mỹ ở châu Âu khi các chương trình tuyệt mật bắt đầu vào năm 2018, cho biết các quan chức quân sự đang mong muốn khởi động lại các hoạt động như thế ở Ukraine để đảm bảo rằng những mối quan hệ khó có được không bị mất đi khi cuộc xung đột tiếp diễn. "Khi tạm dừng những điều này vì quy mô của cuộc xung đột thay đổi, bạn sẽ mất quyền tiếp cận và điều đó có nghĩa là bạn mất thông tin và thông tin tình báo về những gì đang thực sự diễn ra trong cuộc xung đột", ông Schwartz bình luận.
Lực lượng biệt kích Mỹ trong nhiều năm đã trả tiền cho các đơn vị quân sự và bán quân sự nước ngoài có chọn lọc trên khắp Trung Đông, châu Á và châu Phi, thuê họ làm "người đại diện" trong các hoạt động chống khủng bố chống lại mạng lưới al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Những chương trình thay thế mới hơn, chẳng hạn như những chương trình được sử dụng ở Ukraine, được xem là một hình thức "chiến tranh bất quy tắc". Những chương trình đó được thiết kế để sử dụng chống lại các đối thủ, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc, những nước mà Mỹ đang cạnh tranh chứ không phải xung đột công khai, theo The Washington Post.
Xem nhanh: Ngày 351 chiến dịch, Nga tấn công mạnh trên bộ, ồ ạt tập kích đường không vào Ukraine
Các phát ngôn viên của ủy ban quân vụ thượng viện và hạ viện Mỹ từ chối bình luận, viện dẫn tình trạng bí mật của các chương trình. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng từ chối bình luận vì tính tuyệt mật của chương trình.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào ngày 24.2.2022, Washington đã cam kết hỗ trợ Kyiv bằng vũ khí, tiền bạc và các hình thức hỗ trợ khác "trong thời gian cần thiết" để đánh bại Nga về mặt chiến lược. Trong khi đó, Moscow gọi cuộc xung đột là một cuộc chiến ủy nhiệm do Washington và các đồng minh tiến hành nhằm duy trì sự thống trị của phương Tây, theo Đài RT.
Bình luận (0)