Cuộc đánh giá kéo dài 45 ngày do Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin khởi xướng không xác định được được bất kỳ sai sót nào trong việc bảo vệ tài liệu mật. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết các chính sách liên quan thiết bị điện tử ở các khu vực nhạy cảm, vẫn mơ hồ và dẫn đến sự thiếu nhất quán trong việc thực hiện.
Do đó, theo Lầu Năm Góc, các biện pháp mới bao gồm việc bổ nhiệm "các quan chức kiểm soát tối mật", thành lập một văn phòng mới để ngăn các mối đe dọa nội bộ và phát triển hệ thống phát hiện thiết bị điện tử đối với các loại tài liệu.
Nguồn tin của Reuters cho hay Lầu Năm Góc cũng cần rõ ràng hơn về các chính sách liên quan thông tin được phân loại và không gian có thể truy cập thông tin đó, cùng với trách nhiệm cao hơn đối với nhân viên làm việc với thông tin nhạy cảm.
Khi được hỏi liệu Bộ Quốc phòng Mỹ có hạn chế số lượng người có quyền truy cập vào các tài liệu mật hay không, một quan chức giấu tên trả lời "không", theo đài ABC News. Quan chức này nói thêm rằng trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xem xét cách thức hoạt động của hệ sinh thái dành cho tài liệu đã phân loại.
Toàn cảnh vụ rò rỉ tài liệu mật Lầu Năm Góc gây rúng động Mỹ, đồng minh và đối thủ
Trước đó, Jack Douglas Teixeira, 21 tuổi, ở North Dighton, bang Massachusetts (Mỹ), đã bị truy tố với 6 tội danh cố ý lưu giữ và chuyển giao thông tin mật liên quan quốc phòng.
Vụ rò rỉ tài liệu, chủ yếu được đăng trên các trang mạng xã hội, được cho là vụ vi phạm an ninh nghiêm trọng nhất kể từ khi hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao xuất hiện trên trang web WikiLeaks vào năm 2010. Các công tố viên cho biết Teixeira đã rò rỉ tài liệu mật cho một nhóm game thủ trên ứng dụng nhắn tin Discord.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết mỗi tội danh lưu giữ và truyền trái phép thông tin quốc phòng có thể bị phạt tù tới 10 năm, phóng thích có giám sát tới 3 năm và phạt tiền tới 250.000 USD (5,9 tỉ đồng).
Bình luận (0)