Lầu Năm Góc nhận diện đối thủ chính

19/01/2018 08:31 GMT+7

Chiến lược quốc phòng Mỹ thể hiện quan điểm quân sự cứng rắn hơn với 2 đối thủ chính là Nga và Trung Quốc.

Theo dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ chính thức công bố Báo cáo quốc phòng 4 năm một lần (QDR) vào hôm nay (19.1). Tuy nhiên, nhiều thông tin từ bản báo cáo này đã bị rò rỉ từ hôm qua, nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc sẽ coi việc đối phó Trung Quốc và Nga là ưu tiên hàng đầu.
Tờ Financial Times dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay bản báo cáo cho thấy Washington lo ngại đang mất dần ưu thế trước tốc độ phát triển quân sự của 2 đối thủ lớn.
“Nếu nhìn vào những gì Trung Quốc và Nga phát triển, thì mục đích rõ ràng là đối phó với một số lực lượng của chúng tôi. Những gì Trung Quốc đã làm với (vũ khí) bội siêu thanh chính là nhằm hạn chế các tàu sân bay của chúng tôi”, quan chức này nhận định.
Mới đây, giới tình báo Mỹ tiết lộ quân đội Trung Quốc vừa tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo mới được gọi là DF-17 có gắn thiết bị bay bội siêu thanh (HGV) vào tháng 11.2017.
HGV là loại vũ khí không người lái được phóng đi từ tên lửa đạn đạo trước khi tách ra bay theo lộ trình riêng với tốc độ cao từ Mach 5 - Mach 10, tức gấp 5 - 10 lần vận tốc âm thanh (hơn 6.000 - 12.000 km/giờ). Với tốc độ này, lá chắn tên lửa của đối phương sẽ không có đủ thời gian để vô hiệu hóa đầu đạn, kể cả trên các tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ. Giới quan sát nhận định khi đó việc sở hữu đến 11 tàu sân bay sẽ không còn là lợi thế của Mỹ.
Nhận định về mối lo ngại mới của Lầu Năm Góc, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ David Ochmanek cho rằng Trung Quốc và Nga đã có những bước tiến trong lĩnh vực công nghệ chưa từng thấy kể từ sau thời Chiến tranh lạnh, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể thua cuộc trong trận chiến mới.
“Với vũ khí mạng và điện tử, họ có thể đe dọa các hệ thống dựa trên không gian, đánh phá hệ thống chỉ huy và điều khiển vốn là đầu não trong các chiến dịch quân sự hiện đại, phức tạp”, ông cảnh báo.
Theo nhiều quan chức Mỹ, kể từ vụ khủng bố ngày 11.9.2001, chính quyền đã quá tập trung vào cuộc chiến chống các tổ chức cực đoan cũng như “chiến tranh công nghệ khá thấp” ở Iraq và Afghanistan. Do đó, Lầu Năm Góc giờ đây sẽ đáp lại lời kêu gọi tăng chi tiêu để hiện đại hóa quân đội và phát triển công nghệ quốc phòng. Một quan chức Mỹ cho biết QDR năm nay sẽ lần đầu tiên xác định rõ ràng rằng đây là “thời đại cạnh tranh của các cường quốc và hai quốc gia thách thức Mỹ nhiều nhất là Nga và Trung Quốc”. Do đó, chiến lược quốc phòng của Mỹ sẽ được đặt vào bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trước sự đầu tư lớn của 2 đối thủ trong lĩnh vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.