Lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư

13/04/2022 07:07 GMT+7

Chỉ trong chưa đầy 1 tuần lễ, thị trường chứng khoán đã chứng kiến những biến động hết sức khó lường.

Tin đồn bắt bớ, đua nhau tháo chạy

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12.4, thị trường chứng khoán (TTCK) chìm trong sắc đỏ. Toàn thị trường có tới hơn 400 mã giảm giá, trong đó gần 100 mã giảm sàn, đặc biệt tập trung tại các cổ phiếu (CP) bất động sản, CP đầu cơ, CP thuộc hệ sinh thái của Công ty CP Tập đoàn FLC (AMD, HAI, ROS, KLF…). Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 26,75 điểm (tương đương 1,8%). Đáng nói, đây đã là phiên giảm với biên độ lớn thứ 3 liên tiếp, khiến chỉ số chính của thị trường mất 4,5%. VN-Index đóng cửa đứng ở mức 1.455 điểm, vốn hóa thị trường chỉ trong 3 phiên “bốc hơi” hơn 265.000 tỉ đồng (hơn 11,1 tỉ USD).

Nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng đầu tư cổ phiếu cơ bản tốt, tránh cổ phiếu đầu cơ

Ngọc Thắng

Điều gì đang xảy ra phía sau tấm bảng điện ngập tràn sắc đỏ và cuộc tháo chạy của nhà đầu tư (NĐT)?

Trước tiên, cần phải xem lại 2 phiên giao dịch quan trọng gắn với thông tin khởi tố 2 “đại gia” chứng khoán và bất động sản Trịnh Văn Quyết của FLC và Đỗ Anh Dũng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ngày 29.3, khi Bộ Công an công bố thông tin khởi tố, bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết, thay vì sụt giảm, TTCK lại phản ứng khá tích cực. Chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ, sau đó tăng tới 1,63% trong phiên giao dịch vào ngày 1.4. Tiếp đó, ngày 5.4, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị khởi tố, ngày 6.4 chỉ số VN-Index tăng 0,91%.

Điều đó cho thấy, khi Bộ Công an càng mạnh tay xử lý các hành vi thao túng giá và những sai phạm trong phát hành trái phiếu càng khiến nhà đầu tư vững tin. Thị trường ngập tràn sắc xanh. Song, chỉ 3 ngày sau, NĐT phải hứng chịu cú sốc quá lớn - cú sốc của những tin đồn thất thiệt.

Liên tiếp trên khắp các diễn đàn chứng khoán nào là đại gia “T. Mượt” bị bắt, rồi ông chủ của tập đoàn lớn - ông bầu bóng đá bị cấm xuất cảnh; Chủ tịch ngân hàng S. - đại gia bất động sản bị khởi tố… Đỉnh điểm của tin đồn vào ngày 8.4 khi một văn bản thanh tra chuyên đề về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được chia sẻ rầm rộ trên mạng. Ngay lập tức, một loạt CP giảm sàn, trong đó có các CP dính tin đồn như BCG, HSG, KBC; nhóm CP liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Gelex gồm GEX, VGC, VIX, IDC… đã bị bán tháo hàng loạt và giảm kịch biên độ.

Trước tin đồn thất thiệt này, các DN đã phải lập tức công bố thông tin trấn an NĐT. Phía Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) khẳng định văn bản được lan truyền hoàn toàn không có căn cứ để xác thực và công ty hiện không nhận được văn bản đính kèm từ cơ quan chức năng. HSG cũng cho biết, công ty từng có nghị quyết thông qua chủ trương phát hành trái phiếu, nhưng hiện tại không triển khai hay phát hành bất cứ trái phiếu nào.

Công ty CP Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán GEX) ngày 12.4 cũng phản hồi rằng, tuần qua một số cá nhân đã lợi dụng sự việc một số lãnh đạo DN lớn bị bắt để đăng tải những thông tin thất thiệt, chưa kiểm chứng. Gelex khẳng định các thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các mặt hoạt động khác của Gelex được thực hiện minh bạch và công bố trên website chính thức của công ty.

Che giấu thông tin, lừa dối nhà đầu tư

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến NĐT mất niềm tin vào thị trường nằm ở sự thiếu minh bạch, bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin. Ở các TTCK phát triển, lãnh đạo của công ty đại chúng chỉ cần tung thông tin thiếu chính xác, sai lệch có thể bị phạt tới hàng triệu USD, thậm chí lĩnh án 5 - 10 năm tù thì tại VN đa phần chỉ bị xử phạt hành chính. Bằng chứng là suốt 20 năm qua, khi vốn hóa thị trường tăng hàng nghìn lần, lên gần 5,9 triệu tỉ đồng, số tài khoản NĐT lên tới 4,9 triệu, nhưng các hành vi “thao túng thông tin” chủ yếu bị nhắc nhở, nặng hơn là xử phạt hành chính.

Ngoài trường hợp “bán chui” của bị can Trịnh Văn Quyết, trước đó TTCK cũng ghi nhận rất nhiều lãnh đạo công ty bán CP mà không công bố thông tin hoặc công bố thông tin sai quy định. Đơn cử, ngày 5.4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 100 triệu đồng đối với bà Đỗ Thủy Tiên, người phụ trách quản trị của Công ty CP thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (mã PSH). Bà Tiên bán 49.300 CP PSH vào ngày 3.8.2021 và bán 696.500 CP PSH vào ngày 4.8.2021 nhưng không báo cáo về dự kiến giao dịch.

NĐT nhỏ lẻ không chỉ bị lừa dối thông tin mà còn bị chèn ép trong việc tham gia vào thị trường. Có lẽ chỉ ở thị trường VN mới có việc các công ty chứng khoán vừa quản lý tài khoản, tư vấn lại vừa thoải mái đầu tư chứng khoán. Hành vi “vừa đá bóng, vừa thổi còi” này khiến NĐT vô cùng bức xúc. Đáng chú ý, trong vụ án Trịnh Văn Quyết, Công ty chứng khoán BOS còn đứng ra mở các tài khoản, tiếp tay cho bị can này và đội lái thực hiện các hành vi thao túng giá.

Một vấn nạn nhức nhối hơn nữa nằm ở “sân sau” của các ông chủ là lãnh đạo các công ty trên sàn. Họ “phím” thông tin cho người quen là họ hàng, anh em, con cháu... mua vào CP trước khi đánh lên. CP sau khi đạt đỉnh là lúc mà họ bán hàng ra thu lợi. “Việc kiểm soát tài khoản, thông tin của những người liên quan đến công ty niêm yết hiện nay có rất nhiều lỗ hổng. Tin đánh lên thì họ mua vào, chuẩn bị đạt đỉnh thì họ bán ra. Chính điều đó làm cho các cổ đông dần mất niềm tin vào DN, vào thị trường”, một NĐT nhận xét.

Kiểm toán, thẩm định giá ở đâu?

Trách nhiệm của Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước trước vụ việc tại FLC và Tân Hoàng Minh đang được Bộ Công an tiếp tục làm rõ, nhưng còn trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán và thẩm định giá cũng là một điều mà NĐT vô cùng bất an, lo lắng.

Trong vụ hủy phát hành 9 lô trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ngoài những sai phạm của tập đoàn này còn có vai trò tiếp tay của các công ty thẩm định giá, kiểm toán, công ty chứng khoán có liên quan. Theo quy định, trước khi phát hành trái phiếu riêng lẻ, các công ty này phải công bố thông tin minh bạch tới NĐT, từ giá trị tài sản; báo cáo tài chính phải kiểm toán và chứng thư thẩm định giá... Ba công ty này hoạt động kinh doanh gần như không có gì, thậm chí thua lỗ thì ai đã thẩm định giá và giá trị được công bố là bao nhiêu? Cũng cần phải nhắc lại, trong rất nhiều vụ án nổi cộm trước đó như vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”, vụ “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á... tất cả đều có một điểm chung là các công ty thẩm định giá tiếp tay “thổi giá” lên trời.

Bên cạnh đó, về phát hành trái phiếu còn có một vai trò rất lớn của các công ty chứng khoán. Các công ty này đứng ra tư vấn, làm đại lý và thậm chí bảo lãnh phát hành, có công ty đứng ra mua lại trái phiếu riêng lẻ của DN rồi bán lại cho NĐT. Quy định hiện hành yêu cầu trái phiếu riêng lẻ chỉ phát hành cho các NĐT chuyên nghiệp với tiêu chí, điều kiện quy định chặt chẽ, nhưng các công ty này lách luật bán cho NĐT không chuyên. Trên TTCK, ngay cả các DN niêm yết nhưng báo cáo tài chính sơ sài, mờ ám, che giấu sự thật nhiều như “nấm mọc sau mưa”. Nhưng tại sao báo cáo đó vẫn lọt qua được các công ty kiểm toán?

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đưa tin thất thiệt

Liên tiếp trong tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo (2 công điện được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký truyền đạt) yêu cầu các bộ, ngành cần có những biện pháp quyết liệt để ổn định TTCK, thị trường TPDN; bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh, minh bạch; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NĐT theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, đáng chú ý Bộ Công an chủ trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm tình hình TTCK, thị trường TPDN; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.

Hôm qua 12.4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng chủ trì một cuộc họp với các cơ quan liên quan để bàn các giải pháp làm lành mạnh hóa TTCK.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.