Đây là một bước tiến trong điều trị cho người bệnh mắc bệnh van động mạch chủ.
Bệnh viện Đại học Y dược là đơn vị đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật này tại khu vực phía Nam.
Hôm nay (1.2), phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược, cho biết: Với kỹ thuật mới này (còn gọi là kỹ thuật Ozaki), các bác sĩ dùng chính màng ngoài tim của bệnh nhân để tái tạo van động mạch chủ cho họ. Cha đẻ của phương pháp này là giáo sư Ozaki người Nhật Bản.
“Van tim được tái tạo từ một phần cơ thể của người bệnh nên khả năng dung nạp của cơ thể sẽ tốt hơn, giúp thời hạn sử dụng của van được kéo dài hơn. Cấu trúc của van giống như van tự nhiên nên dòng máu qua van ít bị cản trở hơn so với van cơ học hoặc van sinh học. Bên cạnh đó, những khuyết điểm của hai loại van trước đây cũng đã được phương pháp Ozaki khắc phục, giúp người bệnh không dùng thuốc kháng đông suốt đời, giảm nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng van nhân tạo”, bác sĩ Định giải thích.
Ca phẫu thuật đầu tiên là bệnh nhân V.T.M (30 tuổi, ngụ Tây Ninh) bị hở van động mạch chủ và cần phẫu thuật thay van. Tuy nhiên, chị vô cùng hoang mang khi biết dù được thay van cơ học hay van sinh học thì cơ hội có thai và sinh con cũng rất thấp, mang nhiều rủi ro. Khi đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược, chị đã được áp dụng phẫu thuật thay van bằng màng ngoài tim. Ca phẫu thuật thành công. Đến nay, sau gần 3 tháng phẫu thuật, sức khỏe của chị đã phục hồi và chị có thể có thai trong năm 2018.
|
Các chuyên gia đánh giá, đây là một kỹ thuật tiên tiến, đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, huấn luyện kỹ lưỡng, có tay nghề cao thì mới thực hiện tỉ mỉ và chính xác đến từng mm.
Hiện kỹ thuật tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân đã được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với đối tượng người bệnh là phụ nữ có nhu cầu mang thai, trẻ em trong giai đoạn phát triển, người bệnh mong muốn không bị phụ thuộc vào thuốc kháng đông sau phẫu thuật và không muốn phải chịu đựng phẫu thuật nhiều lần.
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược, đã thực hiện tái tạo van động mạch chủ bằng màng ngoài tim thành công cho 10 trường hợp.
Những hạn chế của van tim nhân tạo
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược: Các bệnh lý bất thường của van động mạch chủ như hẹp van động mạch chủ, hở van động mạch chủ thường là những bệnh nặng, chữa trị phức tạp.
Trước đây, khi cần phải điều trị bằng cách thay van nhân tạo, người bệnh có hai lựa chọn là van cơ học và van sinh học.
Van cơ học có ưu điểm sử dụng lâu dài, không cần thay mới nhưng người bệnh cần đến bệnh viện tái khám thường xuyên, dùng thuốc kháng đông suốt đời với các nguy cơ tai biến của việc sử dụng thuốc kháng đông (kẹt van cơ học, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết trong cơ, trong bao khớp,…).
Van sinh học có nguồn gốc từ động vật. Người bệnh không cần dùng thuốc kháng đông liên tục nhưng sau 10 - 15 năm, van sẽ hư hỏng và người bệnh cần phải phẫu thuật lại để thay van mới.
Đặc biệt, đối với người bệnh nữ có nhu cầu mang thai dùng van cơ học, với việc dùng thuốc kháng đông cũng làm tăng nguy cơ mang quái thai và sảy thai. Ở người trẻ, nhất là phụ nữ mang thai, van sinh học sẽ thoái hóa nhanh hơn ở người lớn tuổi. Việc thay van nhân tạo cũng không phải là phẫu thuật được lựa chọn cho trẻ em vì vòng van nhân tạo làm cho vòng van tự nhiên không lớn lên được cùng với trẻ và trở nên hẹp khi trẻ lớn lên.
Theo các thống kê y khoa, ở người bệnh trẻ tuổi, tỉ lệ người bệnh không mổ lại sau 10 năm đối với van sinh học là 85%. Trong khi đó, theo nghiên cứu của giáo sư Ozaki, tỉ lệ người bệnh không mổ lại sau 10 năm nếu dùng phương pháp Ozaki là 95 - 98%.
|
Bình luận (0)