Sáng 24.8, tiếp tục phiên họp 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.
Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại đợt họp thứ nhất của phiên họp thứ 25, ngày 16.8.
Chưa bằng một nửa so với Kiểm toán Nhà nước
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ đã chỉnh lý dự thảo nghị quyết theo hướng quy định rõ đối tượng được trích là các cơ quan thanh tra theo quy định của luật Thanh tra. Cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành thì không được trích.
Cạnh đó, dự thảo đã quy định rõ các khoản mà cơ quan thanh tra được trích để bảo đảm minh bạch, tránh hiểu khác nhau.
Dự thảo cũng quy định rõ, cơ quan thanh tra được sử dụng kinh phí được trích để chi nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.
Ông Đoàn Hồng Phong cho hay, dự thảo đã được chỉnh lý không quy định chi phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan thanh tra. Về mức trích - vấn đề đang còn ý kiến khác nhau, Chính phủ đề nghị được giữ nguyên như tờ trình đã trình ngày 16.8.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị thay vì quy định mức trích tối đa là 30% như hiện hành thì quy định mức trích cụ thể là 30% (bỏ tối đa); đồng thời tăng biên độ số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước mà các cơ quan thanh tra được trích.
Theo ông Đoàn Hồng Phong, mức trích này về cơ bản kế thừa các quy định hiện hành nhưng có tăng biên độ cho phù hợp với thực tế.
Ông Phong lý giải, nguồn kinh phí trích cho cơ quan thanh tra những năm qua có tác dụng bù đắp cho sự thiếu hụt của cơ chế tài chính hiện hành khi phân bổ dự toán chi thường xuyên theo biên chế, chưa tính hết các yếu tố đặc thù của cơ quan thanh tra.
“Thực tế, nhiệm vụ đối với cơ quan thanh tra ngày càng tăng, yêu cầu và áp lực trong công tác của ngành thanh tra ngày càng cao, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Theo ông Phong, tổng số kinh phí được trích bình quân trong 1 năm của giai đoạn 2018 - 2022 là 380 tỉ đồng. Nếu thực hiện theo chính sách mới (tăng biên độ) thì kinh phí hàng năm trích cho các cơ quan thanh tra ước tính tăng 45 tỉ đồng (tăng khoảng 12%) so với mức được trích theo quy định hiện hành.
Với biên độ tăng này, tính bình quân đầu người của cơ quan thanh tra được hưởng theo cơ chế mới, tăng khoảng 2,467 triệu đồng/người/năm (khoảng 200.000 đồng/tháng). "Mức tăng này là không đáng kể so với tốc độ của lạm phát", ông Phong nói.
So sánh với các ngành được hưởng cơ chế đặc thù, Tổng thanh tra Chính phủ cho hay, theo số liệu bước đầu thu thập được, kinh phí trích của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2018 - 2021 (4 năm) là trên 3.454 tỉ đồng, bình quân trên 863 tỉ đồng mỗi năm, cao hơn 2,27 lần so với kinh phí mà ngành thanh tra được trích (380 tỉ đồng/năm).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến bằng phiếu
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, đa số ý kiến của ủy ban đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ như hiện nay do quy định này đã có căn cứ thực tiễn thực hiện trong thời gian qua.
“Ngân sách Nhà nước cần bố trí đầy đủ kinh phí cho các cơ quan thanh tra để triển khai thực hiện các hoạt động được giao theo đúng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, ông Mạnh nêu. Dù vậy, từ góc độ cá nhân, ông Lê Quang Mạnh lại thấy nên theo phương án Chính phủ đề xuất.
Ngoài lý do Chính phủ giải trình, ông Mạnh nói nhiệm vụ thanh tra ngày càng tăng lên, nhưng mong muốn của chúng ta là “khoản tiền thu hồi, phát hiện qua thanh tra phải ngày càng ít đi”. "Khoản tiền này trong tương lai ngày càng tăng lên thì càng buồn", ông Mạnh nêu.
Tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc những nội dung cơ bản của nghị quyết.
Riêng về mức trích, do đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị giữ nguyên như hiện hành nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ lấy ý kiến bằng phiếu, trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành nghị quyết.
Đề xuất trích 30% tổng số tiền thu hồi đến 100 tỉ đồng/năm
Theo dự thảo nghị quyết, Thanh tra Chính phủ đề nghị được trích 30% (quy định hiện hành là tối đa 30%) trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp đến 100 tỉ đồng/năm (quy định hiện hành là 50 tỉ đồng).
Thanh tra Chính phủ được trích thêm 20% (quy định hiện hành là tối đa 20%) trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 100 tỉ đồng đến 200 tỉ đồng/năm (quy định hiện hành là 50 tỉ đồng đến 80 tỉ đồng); được trích thêm 10% (hiện hành là tối đa 10%) trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp từ trên 200 tỉ đồng/năm (hiện hành là trên 80 tỉ đồng).
Tương tự, Thanh tra Chính phủ cũng đề xuất các cơ quan thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; thanh tra các tổng cục, cục thuộc bộ và tương đương; thanh tra tỉnh, thành được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước đối với số nộp đến 20 tỉ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền từ trên 20 tỉ đồng đến 30 tỉ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền từ trên 30 tỉ đồng/năm.
Bình luận (0)