Tại phiên họp chiều nay, 13.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, QH khóa 14.
Theo tờ trình Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình tại phiên họp, dự kiến họp thứ 6, sẽ kéo dài trong 21 ngày, bắt đầu từ 22.10 - 19.11.
Tại phiên họp lần này, QH sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, trong đó có luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu); luật Công an nhân dân (sửa đổi), luật Bảo vệ bí mật nhà nước, luật Giáo dục sửa đổi, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học, luật Cảnh sát biển Việt Nam…
Bên cạnh đó, QH cũng sẽ cho ý kiến 6 dự án luật khác, trong đó có luật Quản lý thuế (sửa đổi), luật sửa đổi, bổ sung một sốd điều của luật Đầu tư công…
Cũng tại kỳ họp này, dự kiến QH sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2019.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp và kết luận của Ủy ban TVQH về chất vấn tại phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 1 ngày để lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Liên quan tới vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị sắp xếp chương trình làm việc để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước khi các bộ trưởng trả lời chất vấn, tránh sự bất lợi cho những bộ trưởng được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp này. Đây cũng là kinh nghiệm mà các nhiệm kỳ trước đã thực hiện.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý: "Việc lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị thật chu đáo ngay từ bây giờ. QH và Chính phủ phối hợp ngay từ bây giờ, không để trục trặc, thiếu hồ sơ khi lấy phiếu".
Theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp này, việc trả lời chất vấn không chỉ có 4 bộ trưởng mà tất cả các thành viên Chính phủ đều phải có mặt để giải trình việc thực hiện các lời hứa của mình trước đây như thế nào.
"Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện giữa kỳ họp, còn việc trả lời chất vấn nên thực hiện vào tuần gần cuối kỳ họp để tăng tính hấp dẫn cũng như sự chờ đợi của đại biểu", Chủ tịch QH nói.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm những chức danh nào?
Theo điều 18 luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 về lấy phiếu tín nhiệm, QH lấy phiếu tín nhiệm các chức danh: chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch QH, phó chủ tịch QH, Uỷ viên Ủy ban thường vụ QH, chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm Ủy ban của QH; thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tổng Kiểm toán nhà nước.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Nếu có từ 2/3 tổng số đại biểu QH trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm.
|
Bình luận (0)