“Lấy trớn” phát triển dịch vụ qua mạng

05/04/2020 00:00 GMT+7

Khảo sát mới nhất của Nielsen VN và Infocus Mekong Mobile Panel cho thấy dịch Covid-19 tác động mạnh đến xu hướng tiêu dùng của người Việt , nâng mức tiêu thụ một số ngành hàng.

Cụ thể, dựa theo số liệu thực tế trên 500 người tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng được Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel phối hợp khảo sát cho thấy có hơn 50% người được khảo sát giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa, hơn 60% người giảm đi chợ truyền thống. Và có 25% số người được hỏi đã tăng cường mua sắm online và giảm tần suất mua sắm trực tiếp tại siêu thị hay cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống.
Đại diện sàn Lazada VN cho biết, trong vòng 4 tuần qua (từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 3), Lazada ghi nhận nhu cầu mua sắm với ngành hàng chai xịt phòng, chai khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, ngành hàng đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%. Hay Grab đã triển khai dịch vụ đi siêu thị hộ (Grabmart) tại Hà Nội sau
10 ngày thử nghiệm tại TP.HCM, người dùng có thể mua từ thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn đến trái cây tươi, rau củ quả tại các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị... Tương tự, ứng dụng “Be” cũng triển khai beDelivery và be Đi chợ và đại diện đơn vị này cho biết hiện mỗi ngày dịch vụ beDelivery nhận được khoảng 15.000 lượt yêu cầu, tăng 200% so với trước thời điểm có dịch Covid-19.
Theo ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) VN, việc mua sắm trực tuyến gia tăng chủ yếu do các cửa hàng đóng cửa, nhưng điều này đang mang đến thay đổi tích cực về TMĐT, về dịch vụ công trực tuyến của nhiều người dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) và cơ quan nhà nước đều nhận thấy tầm quan trọng của dịch vụ online nên hy vọng sẽ có đầu tư nghiêm túc cho hoạt động này trong thời gian tới. “Điểm tích cực nhất là sau đợt dịch bệnh, bản thân các DN và cả cơ quan nhà nước sẽ thấy rõ mình còn thiếu hụt cái gì, cái nào làm chưa tốt để triển khai hoạt động qua mạng, giao dịch từ xa... thì có thể tích cực đầu tư ngay. Bởi nếu không, khi bước vào hoàn cảnh tương tự thì lại bị thị trường bỏ rơi vì không có thông tin, không có cách giao tiếp với khách hàng. Nhiều dịch vụ công trực tuyến chưa được mạnh dạn triển khai thì cần được thúc đẩy nhiều hơn. Quan trọng nhất là vai trò và sự quan tâm của người đứng đầu DN cũng như cơ quan nhà nước. Nếu có quyết tâm thì việc ứng dụng công nghệ, thúc đẩy các dịch vụ qua mạng sẽ phát triển nhanh hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
TS Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, nhận định: “Dịch Covid-19 khiến số đông DN phải cầm cự, nhưng những DN sáng tạo, chuyển đổi nhanh thì vẫn sống được. Chỉ thị của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho DN cũng lưu ý thúc đẩy phát triển TMĐT. Về lâu dài, để hỗ trợ cho TMĐT hay nói rộng hơn là kinh tế số, Chính phủ cần vào cuộc trong việc xây dựng pháp lý cũng như hạ tầng tạo điều kiện cho các DN phát triển. Đồng thời, đảm bảo vấn đề bảo mật, an ninh mạng để bảo vệ người tiêu dùng, ngăn chặn, giảm thiểu các tranh chấp phát sinh trong môi trường kinh doanh số, ngăn chặn các vụ lừa đảo trong TMĐT”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.