Tôi hỏi bạn cưới vợ ở đâu? Bạn vừa cười vừa nói:
"Miền Tây mày ạ! Chính xác là Vĩnh Long".
Câu trả lời của bạn khiến tôi cười khằng khặc:
"Mày chạy trời cũng không khỏi nắng. Chọn tới chọn lui rồi cuối cùng đến gần bốn mươi tuổi cũng… lấy vợ miền Tây"
"Mày còn nhớ chuyện hồi xưa?"
"Nhớ chứ! Làm sao tao quên được?", tôi trả lời bạn.
Rước dâu bằng tắc ráng ở miền Tây |
tgcc |
"Chuyện hồi xưa" là chuyện đã diễn ra cách đây mấy chục năm rồi, khi chúng tôi còn nhỏ.
Hồi đó, cứ mỗi lần biết ai sắp "lấy vợ miền Tây" thì chúng tôi lại nghe trong làng râm ran bàn tán. Dường như trong mắt mọi người ở quê, chuyện lấy một cô gái miền Tây về làm vợ là điều gì kinh khủng lắm. Thấy lạ. Chúng tôi đem thắc mắc ở trong lòng ra hỏi người lớn, được nghe giải thích: "Người dân miền Trung quê mình đã quen với cách sống 'trăm nhà như một' nên khó chấp nhận một cô gái miền Tây tính tình phóng khoáng, không biết chắt bóp chi tiêu. Thêm một điều nữa là ở dưới miền Tây, mỗi khi gả chồng thì nhà gái yêu cầu tiền thách cưới nhiều như kiểu 'bán con'. Nên tốt nhất tụi bây sau này có lấy vợ thì lấy đâu cũng được nhưng đừng dại mà lấy vợ miền Tây mà cả làng dị nghị". Câu trả lời của người lớn đã "in" vào đầu những đứa trẻ mới chín-mười tuổi như chúng tôi ý nghĩ phải tránh xa, không nên lấy con gái miền Tây về nhà làm vợ.
Cái ý nghĩ đó thêm một lần được cũng cố khi chúng tôi chứng kiến anh hàng xóm gần nhà mình lấy vợ. Anh đi làm xa. Không biết họ quen nhau ở đâu, chỉ biết cũng cưới hỏi rước dâu đàng hoàng như bất cứ đám cưới nào ở quê tôi thời đó. Nhưng chỉ ở đúng được vài hôm thì "cô vợ miền Tây" của anh bỏ về nhà mẹ của mình. Cả làng lại được một dịp xôn xao và khẳng định như đinh đóng cột rằng con gái miền Tây không chung thủy, khó chiều.
Chúng tôi mang theo "ác cảm" về con gái miền Tây trong suốt quãng thời thơ ấu cho đến khi bước vào đời. Để rồi sau đó đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều mà mỗi người có thể nhìn nhận lại bằng những cách khác nhau.
***
Như tôi chẳng hạn, bước vào đại học vẫn không dám thân thiết với những bạn nữ quê miền Tây, cứ như sợ "sao quả tạ" rơi xuống đầu mình thì không dám bước chân về quê nữa. Định kiến đó như một bức tường bao phủ lấy tôi. Mãi đến một năm sau, khi ở chung ký túc xá với đứa bạn quê Long An, tôi mới vỡ ra nhiều thứ.
Thì ra, do sự khác biệt về phong tục tập quán giữa các vùng miền. Nếu như người dân miền Trung quê tôi đã quen với chuyện "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", người vợ phải biết lo toan thu vén chuyện trong nhà, thì với người miền Tây phải "cùng làm, cùng tính". Nó có chút gì đó thoáng hơn và cũng công bằng hơn trong mối quan hệ vợ chồng. Bởi vậy, khi con gái miền Tây về làm dâu ở xứ khác tự nhiên thấy khó hòa hợp, mà họ lại sống bằng cảm xúc nhiều nên không thể nín nhịn được lâu.
Thì ra, tiền thách cưới không phải là tiền "bán con" như người ở quê tôi vẫn thường kháo nhau thuở trước. Bạn bảo: "Sống đâu quen đó. Dưới miền Tây, người ta có con gái thì cũng có con trai nên tính ra như vậy là huề. Tiền thách cưới cao thì cha mẹ có thể tự hào với bà con lối xóm rằng con mình có giá. Cái này đã ăn vào nếp nghĩ từ xửa từ xưa. Mà bây giờ muốn "lấy vợ miền Tây" cũng gọn nhẹ khi đã rút từ sáu lễ (lễ giáp lời, lễ thông gia, lễ cầu thân, lễ hỏi, lễ cưới và rước dâu, lễ phản bái) xuống còn ba (dạm ngõ, lễ hỏi, lễ cưới). Lấy vợ miền Tây khó, để ai đó khi đưa được về nhà mình thì phải biết nâng niu và trân trọng".
Lấy vợ miền Tây cũng không khác lấy vợ miền Trung là mấy. Chỉ có điều mảnh đất miền Trung quê tôi lũ nhiều nắng gắt, phải góp nhặt từng đồng nên thường thông cảm cho nhau ở khoản "nạp tài", nhận cho có lệ mãi trở thành quen nên lúc đến miền Tây nghe "thách cưới" nhiều đâm ra khó chịu. Vậy là một đồn mười, mười đồn trăm thành thử ra người ta mang tiếng xấu "bán con".
Hiểu rồi. Tôi cũng bắt đầu nghĩ thoáng đi.
***
Ra trường đi làm, thật may mắn cho tôi có nhiều bạn bè ở miền Tây. Vậy là cũng đôi ba bận lên xe xuống phà đi đám cưới. Lúc thì Long An, Cần Thơ. Khi thì Sóc Trăng, Đồng Tháp. Về miền Tây, tôi mới thấy rước dâu bằng xuồng ghe, tắc ráng... hay những chiếc cổng cưới được trang trí bằng lá dừa nước, đủng đỉnh mà không nơi nào có được. Nó như một nét đặc trưng riêng của vùng sông nước này.
Và điều đặc biệt nhất mà tôi nghĩ cũng là niềm hạnh phúc của những ông chồng lấy vợ miền Tây; đó là nấu ăn rất ngon và tính tình dễ chịu. Thoảng khi bạn tới nhà, chỉ cần vài ba thứ đơn giản cũng có thể chế biến thành một món nhậu ngon lành để chồng lai rai với khách. Rồi trong khi khách đang còn ăn bữa này thì vợ bạn đã nhiệt tình mời ở lại ăn bữa hôm sau. "Hay là tui cũng về lấy vợ miền Tây?", tôi nói với bạn trong khi đưa mắt nhìn cô em gái bạn đang ngồi ở góc nhà. Bạn hiểu ý. Bật cười.
Nhưng có lẽ do ông trời không cho tôi cơ hội làm rể miền Tây nên dù có yêu có thương cũng không thể cùng nhau xây tổ ấm. Nỗi niềm đó được tôi ấp ủ trong lòng, để mỗi lần nghe tin bạn bè "lấy vợ miền Tây" lại nhớ về câu chuyện cũ. Trời cho cái duyên gặp gỡ, còn đến được với nhau, đi cùng nhau lâu dài được hay không là do bản thân mình chứ đâu phải tại vùng miền, quê quán. Từ ghét, đến hiểu, rồi yêu và gắn kết với nhau cũng chỉ cách mấy bước chân mà tôi cứ ngập ngừng để rồi trôi qua, vụt mất.
Cuộc điện thoại của bạn đã khép lại từ lâu mà tôi vẫn còn miên man suy nghĩ. Có lẽ, tôi vẫn còn duyên nợ với miền sông nước để thêm một lần được đi "lấy vợ miền Tây" với bạn của mình và chúc phúc cho bạn đầu bạc răng long.
Bình luận (0)