Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà vừa thay mặt Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo một số nội dung tiếp thu, giải trình về dự án luật Đất đai sửa đổi.
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà giải trình về luật Đất đai tại kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV |
gia hân |
Về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo của Chính phủ cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng các trường hợp thu hồi đất để làm trụ sở các cơ quan ngoại giao; dự án xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa, bảo trợ xã hội; dự án cần thu hút đầu tư địa phương; dự án du lịch, sân golf, sinh thái có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương do HĐND cấp tỉnh quyết định…
Ngược lại, có ý kiến đề nghị giảm đến mức tối đa việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế việc thu hồi đất ở, đất phi nông nghiệp, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án đặc biệt quan trọng do Quốc hội quyết định.
Giải trình, Bộ trưởng TN-MT cho biết dự thảo luật đã quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện và các trường hợp nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, do đây là nội dung quan trọng, phức tạp, còn có ý kiến khác nhau nên Bộ TN-MT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về nội dung này.
Thu hồi đất cho dự án đô thị, nhà ở thương mại với đất không để ở
Về vấn đề thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, báo cáo của Chính phủ cho hay, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về điều kiện, thủ tục, tránh việc lợi dụng hoặc hiểu khác nhau khi triển khai.
Có ý kiến cho rằng thực hiện dự án đô thị, nhà dự án nhà ở thương mại là hoạt động kinh tế đơn thuần, không phục vụ lợi ích công cộng mà chủ yếu phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản nên quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để đảm bảo công bằng với lĩnh vực khác.
Việc này cũng chưa phù hợp với yêu cầu “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại” tại Nghị quyết 18.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà vẫn dẫn lại Nghị quyết 18 xác định “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” nên dự thảo luật quy định các dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải đấu giá đất, đấu thầu dự án nên Nhà nước phải thu hồi (để đấu giá, đấu thầu).
“Việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai còn tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, nhằm điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư”, báo cáo viết.
Đối với ý kiến cho rằng để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, ông Hà cho rằng nội dung này còn ý kiến khác nhau vì khi thực hiện đồng thời 2 cơ chế sẽ có sự so bì về mức giá bồi thường, phát sinh khiếu kiện.
Đồng thời không thực hiện chủ trương nhà nước giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất.
Từ đó, ông Hà cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục quy định dự án đô thị, nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải đất ở thì nhà nước thu hồi để tổ chức đấu giá, đấu thầu.
Cùng với đó, quy định việc thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư (bao gồm dự án đô thị, nhà ở thương mại).
Lấy ý kiến nhân dân về luật Đất đai từ 3.1 - 28.2.2023
Trong tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cũng cho biết, thời gian lấy kiến từ 3.1 - 28.2.2023.
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm các tầng lớp nhân dân trong, ngoài nước; các cơ quan nhà nước, tổ chức ở T.Ư, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp cũng như các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu...
Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo luật Đất đai sửa đổi và các vấn đề liên quan được dư luận quan tâm.
Các hình thức lấy ý kiến bao gồm: góp ý bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý thông qua cổng thông tin điện tử Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN-MT và các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học và các hình thức khác.
Bình luận (0)