LĐLĐ TP.HCM đề xuất gì liên quan khoản đóng kinh phí công đoàn 2%?

29/09/2022 21:09 GMT+7

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho rằng, luật sửa đổi, bổ sung luật Công đoàn cần bổ sung quy định trích kinh phí cho các cấp công đoàn theo tỷ lệ phù hợp, theo hướng công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới; công đoàn cơ sở phục vụ công đoàn viên, người lao động.

Năm 2021, ước thu tài chính công đoàn đạt 1.746 tỉ đồng

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam chiều 29.9 về việc khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện luật Công đoàn năm 2012, LĐLĐ TP.HCM cho hay năm 2021, ước thu tài chính công đoàn đạt 1.746 tỉ đồng, đạt 93% kế hoạch được giao; công đoàn phí được 407 tỉ đồng, đạt 79% kế hoạch.

Khi có luật Công đoàn 2012, công tác thu tài chính công đoàn có tính pháp lý cao hơn trong thực tiễn. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn 2% rộng hơn.

Luật Công đoàn năm 2012, Nghị định 191/2013 của Chính phủ và các quy định về tài chính công đoàn đã quy định rõ nguồn thu của công đoàn. Theo đó, đối tượng đóng kinh phí công đoàn không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đơn vị chưa có tổ chức công đoàn. Và mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo tinh thần Nghị quyết số 06 của T.Ư thì việc tiếp tục bảo đảm nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, LĐLĐ TP.HCM nhận định, nhiều năm qua, việc nắm bắt và hiểu đúng cách thức thu và tỷ lệ phân chia tài chính công đoàn giữa các cấp chưa đạt sự đồng thuận cao.

Kiến nghị trích quỹ công đoàn cho công đoàn các cấp

Một số ý kiến cho rằng kinh phí 2% chỉ để phục vụ cho công đoàn cấp trên cơ sở trở lên, hoặc để “trả lương”, “nuôi” bộ máy công đoàn; có người hoài nghi vì mục đích sử dụng kinh phí này.

Buổi làm việc của đoàn công tác Tổng LĐLĐ Việt Nam với LĐLĐ TP.HCM để khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện luật Công đoàn năm 2012

phạm thu ngân

LĐLĐ TP.HCM cho rằng, luật sửa đổi, bổ sung luật Công đoàn cần bổ sung quy định về trích kinh phí cho các cấp công đoàn theo tỷ lệ phù hợp, theo hướng công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, công đoàn cơ sở phục vụ công đoàn viên, người lao động. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Mặt khác, việc thu, chi, sử dụng kinh phí công đoàn hiện nay chỉ phù hợp trong điều kiện Việt Nam có duy nhất một hệ thống công đoàn. Trong khi Bộ luật Lao động năm 2019 đã cho phép thành lập tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống công đoàn Việt Nam. Nên ở doanh nghiệp, bên cạnh công đoàn cơ sở, còn có thể có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mà quyền và trách nhiệm của tổ chức này trong quan hệ lao động được đảm bảo bình đẳng với tổ chức công đoàn.

Do đó, vấn đề chia sẻ nguồn kinh phí công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp cũng cần được xem xét nghiên cứu trong lần sửa đổi luật Công đoàn này. LĐLĐ TP.HCM cũng kiến nghị tăng cường tính độc lập của cơ chế 3 bên trong quan hệ lao động, bổ sung cơ chế riêng cho tài chính công đoàn để đảm bảo tính độc lập trong mối quan hệ với Nhà nước - người sử dụng lao động - tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.