Lễ cúng bến nước của người Ê đê

13/03/2015 09:00 GMT+7

Lễ cúng bến nước là một tập tục của đồng bào Ê đê, được người dân nhiều thôn ở xã Ninh Tây, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) tổ chức vào tháng giêng hàng năm, với mục đích cúng tạ thần nước đã đem lại may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi cho năm sau, cũng như mang lại sức khỏe cho người dân trong buôn, làng.

Lễ cúng bến nước là một tập tục của đồng bào Ê đê, được người dân nhiều thôn ở xã Ninh Tây, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) tổ chức vào tháng giêng hàng năm, với mục đích cúng tạ thần nước đã đem lại may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi cho năm sau, cũng như mang lại sức khỏe cho người dân trong buôn, làng.

 
Lễ cúng bến nước của người Êđê ở Ninh Tây
Lễ cúng bến nước của người Êđê ở Ninh Tây - Ảnh: Nguyễn Chung
Ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, cho biết cộng đồng người dân tộc Êđê ở Khánh Hòa tập trung khá đông đúc tại Ninh Tây. Lễ cúng bến nước là nét đặc trưng của dân tộc Ê đê, nhưng nhiều lý do khiến lễ hội này có một khoảng thời gian gần như biến mất. Từ năm 2007, xã đã quyết định phục hồi và duy trì hàng năm nghi lễ quan trọng này của người Ê đê và được bà con đồng tình ủng hộ. Nghi lễ không chỉ là buổi tạ ơn và cầu mong những điều tốt lành, mà còn là dịp sinh hoạt ý nghĩa của toàn thể bà con các buôn, làng.
Bà con Ê đê Buôn Sim vừa tổ chức lễ cúng bến nước hôm 10.3 vừa qua. Theo già làng Y Thanh, để chuẩn bị cho lễ cúng bến nước, từ nhiều ngày trước, già làng, trưởng buôn đã thông báo, họp bàn với dân làng về công tác tổ chức. Đúng ngày, bà con trong buôn tập trung tại nhà già làng, mọi người cùng đóng góp sức người, sức của cho lễ cúng. Các lễ vật không thể thiếu là một con heo và các ché rượu cần. Sau đó, bà con cùng đưa lễ vật ra bến nước trong buôn thực hiện lễ cúng. Đi đầu là thầy cúng, tay cầm một tô tiết heo có pha rượu. Theo sau, già làng cùng các chàng trai khỏe mạnh trong trang phục truyền thống bưng theo lễ vật. Người già, các cô gái cũng nối nhau ra bến nước làm lễ tạ ơn.
Tại bến nước, sau khi bày lễ vật ra, thầy cúng đọc lời khấn với ý nghĩa cầu mong nguồn nước trong lành, dồi dào, mọi người trong buôn khỏe mạnh, no đủ. Thầy cúng khấn xong, chàng trai khỏe mạnh tay cầm khiên, đao phóng xuống dòng nước, hóa thân hiệp sĩ đánh đuổi ma rừng, bảo vệ nguồn nước trong lành. “Sau lễ cúng, trong ba ngày, người dân không được xuống nước cũng như có hành động làm ảnh hưởng đến nguồn nước, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt nặng”, già làng Y Thanh nói.
Từ bến nước trở lại nhà già làng là lúc cả buôn làng tập trung để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã. Đến góp vui với Buôn Sim, già làng Y Dú ở Buôn Lác, rít một ngụm rượu, rồi phấn khởi khoe rằng: “Năm qua bà con làm ăn được thuận lợi, cũng là do có thần nước cho nguồn nước sạch, để mùa màng được tốt tươi, cuộc sống ấm no. Trước đây, do đời sống khó khăn, người dân không mặn mà với lễ hội nên có thời gian bị “gián đoạn”. Mấy năm nay, lễ cúng bến nước mới được phục hồi, bà con vui lắm”.
Một cán bộ xã Ninh Tây cho biết hiện nay, 4 thôn buôn trên địa bàn xã là Buôn Lác, Buôn M’Đung, Buôn Sim, Buôn Tương đều tổ chức lễ hội cúng bến nước vào tháng giêng hàng năm. Việc tổ chức lễ có những điểm còn thiếu so với các thế hệ cha ông đi trước, như: lễ diễn ra trong 3 ngày chứ không chỉ gói gọn trong một ngày như bây giờ, hay trước kia sau khi thầy cúng khấn xong, sẽ có cả đội binh sĩ cầm khiên, đao, giáo, mác cùng xuống đánh đuổi cái xấu bảo vệ nguồn nước thì nay cũng bị “giảm biên chế” chỉ còn một người… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc giảm bớt những “chi tiết” này giúp bà con có thể lưu giữ và bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của cha ông mà ngày lễ vẫn ý nghĩa, tiết kiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.