Lễ giỗ lần thứ 191 của Tả quân Lê Văn Duyệt cử hành theo phong cách hoàng cung

14/09/2023 14:43 GMT+7

Năm nay, TP.HCM tổ chức lễ giỗ lần thứ 191 của Tả quân Lê Văn Duyệt với nhiều nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, tại Di tích Lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Sáng 14.9 tại Di tích Lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 191 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. 

Nhiều nghi thức hoàng cung tại lễ giỗ lần thứ 191 Tả quân Lê Văn Duyệt  - Ảnh 1.

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

T.L

Tham dự buổi lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt có ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Thị Thu Hà - nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Trần Kim Yến - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM; bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Hữu Hiệp - Bí thư Thành ủy TP.Thủ Đức (TP.HCM) cùng nhiều lãnh đạo các sở và đại diện UBND Q.Bình Thạnh (TP.HCM).

Lễ giỗ năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 14 - 16.9 (nhằm 30.7 và mùng 1, 2.8 âm lịch) tại Di tích Lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu, tọa lạc số 146 đường Lê Văn Duyệt, P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng là nơi đặt khu đền và mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt.

Các nghi thức lễ giỗ được cử hành theo phong cách hoàng cung dành cho các vị khai quốc công thần. Các lễ phẩm cúng giỗ bao gồm trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa cùng các vật phẩm là trái cây vùng sông nước Nam bộ. Các loại hoa quả sẽ được kết thành hình long - mã - phụng, cùng với các món ăn mang đậm dấu ấn phương Nam.

Nhiều nghi thức hoàng cung tại lễ giỗ lần thứ 191 Tả quân Lê Văn Duyệt  - Ảnh 2.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM (bìa trái) cùng các lãnh đạo TP.HCM thắp hương tại mộ Tả quân Lê Văn Duyệt

Nhiều nghi thức hoàng cung tại lễ giỗ lần thứ 191 Tả quân Lê Văn Duyệt  - Ảnh 3.

Các đại biểu cùng tham gia những nghi thức tại buổi lễ

NGUYỄN HÀ

Trong lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt còn có các hoạt động hát kỳ yên để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và tưởng nhớ các bậc tiền hiền, các anh hùng liệt sĩ đã đóng góp công lao, máu xương cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hòa bình, hạnh phúc.

Trong ngày 14.9, ngoài các hoạt động như mời trầu rượu, tặng lộc, còn có các nghi lễ cúng Tiên Thường, lễ dâng hương, lễ Xây chầu – Đại bội và hát bội tuồng Lê Công kỳ án (do Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM biểu diễn).

Tiếp đó, ngày 15.9, sẽ diễn ra các hoạt động của ngày chánh giỗ gồm: cúng chánh giỗ theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, tế tiền hiền – hậu hiền – anh hùng liệt sĩ, biểu diễn nghệ thuật hát bội, tuồng Chung Vô Diệm dự hội kỳ bàn, San Hậu 3 hồi I, II, III. Lễ tôn Vương – hồi chầu và đón tiếp người dân đến chiêm bái.

Ngày 16.9 có các hoạt động: cúng trầu cau, bánh Gia Định xưa...

Dịp này, họa sĩ Lê Sa Long đã trao tặng Ban Quý tế bức tranh vẽ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt treo vào những ngày giỗ ông để người dân đến chiêm bái.

Nhiều nghi thức hoàng cung tại lễ giỗ lần thứ 191 Tả quân Lê Văn Duyệt  - Ảnh 5.

Họa sĩ Lê Sa Long (phải) trao tặng Ban Quý tế bức tranh vẽ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt

NVCC

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) là nhân vật lịch sử đặc biệt. Ông một trong những vị khai quốc công thần nhà Nguyễn và đóng vai trò quan trọng trong những buổi đầu của chính quyền vương triều Nguyễn. Từ một thái giám, ông theo chúa Nguyễn Ánh tham gia xây dựng lực lượng ở Gia Định (1790 - 1802), rồi làm Tổng trấn thành Gia Định 2 lần (1813 - 1816 và 1820 -1832), rất có uy tín và được người dân yêu kính. Khi mất, ông được vua Minh Mạng truy phong hàm Thái Bảo và lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt được xây dựng theo biểu thức của ngôi mộ dành cho những công thần bậc nhất lúc bấy giờ ở Nam bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.