Lễ diễn ra ngay hòn đảo giữa biển - nơi khởi nguồn của nghề khai thác yến sào từ hàng trăm năm trước.
Duy trì lễ hội
Cứ vào ngày 10.5 âm lịch hằng năm, tại Hòn Nội - một hòn đảo xinh đẹp nằm ngoài khơi vịnh Nha Trang, ban tế tự của nghề khai thác yến sào lại tổ chức một lễ hội trang nghiêm nhằm tri ân Thủy tổ, Thánh mẫu và vinh danh những thành quả sau một năm lao động của cán bộ công nhân viên Công ty Yến sào Khánh Hòa, những người đã và đang tham gia vào nghề này. Đây cũng là dịp để thành phố biển Nha Trang đón thêm một lượng du khách không nhỏ hành hương về các hòn đảo có loài chim yến lưu trú từ nhiều thế kỷ nay.
Lễ hội yến sào Khánh Hòa vừa là sự kết hợp giữa tôn vinh ngành nghề, tri ân tiền nhân vừa là dịp để Công ty Yến sào Khánh Hòa đánh giá một chặng đường xây dựng và phát triển, đồng thời đề ra những phương hướng nhiệm vụ sắp tới. Vì là “lễ” nên các hình thức thuộc về tập tục của cư dân ven biển đều được duy trì và áp dụng trong buổi tế. Từ sắc phục dành cho chủ tế và “lính” cầm cờ đến cách xướng của một bài văn tế đều được hậu thế duy trì một cách thiêng liêng và thành kính. Chủ tế không hẳn là người lãnh đạo trong công ty mà đôi khi chỉ là một công nhân bình thường, trực tiếp khai thác yến ngoài đảo nhưng phải là người am tường từng ngóc ngách của công việc đầy thú vị nhưng cũng không ít nhọc nhằn này. Vì vậy, những chủ tế thường là những hậu duệ của những người từng hành nghề khai thác yến sào hàng trăm năm qua trên đất Khánh Hòa.
Theo sử sách ghi lại, vào năm 1328, trong chuyến công cán phương nam, Đề đốc thủy quân nhà Trần là Lê Văn Đạt cùng đoàn quân gặp bão lớn, chiến thuyền của họ bị dạt vào đảo Hòn Tre (ngoài khơi TP.Nha Trang ngày nay). Đề đốc Lê Văn Đạt cùng thuộc hạ của mình tình cờ phát hiện tại các hòn đảo ngoài khơi vịnh Nha Trang này có rất nhiều tổ yến. Sau khi phát hiện các đảo yến, ông Lê Văn Đạt cho thành lập đội quân bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên này. Nghề yến sào nước ta ra đời từ đó và ông Đạt được đời sau suy tôn là Thủy tổ nghề yến sào VN.
Những người có công kế nghiệp Thủy tổ nghề yến là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang và con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm. Dưới thời Tây Sơn, bà Lê Thị Huyền Trâm được giao chỉ huy đội thủy quân tại dinh Bình Khang kiêm tổng quản quần đảo Hòn Tre và các đảo yến trong vùng. Bà đã tổ chức khai thác, xuất khẩu yến sào làm nguồn tài chính, hậu cần, quân nhu… cho nhà Tây Sơn. Ngày 10.5 năm Quý Sửu (1793), trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc và các đảo yến, Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang đã anh dũng hy sinh. Từ đó, ngày 10.5 âm lịch hằng năm, người dân địa phương tổ chức cúng giỗ Thánh mẫu Lê Thị Huyền Trâm và tướng sĩ Tây Sơn tại đền thờ Tổ nghề yến trên đảo Hòn Nội. Công ty Yến sào Khánh Hòa đã kế tục công việc thiêng liêng này từ nhiều chục năm nay và thường xuyên bổ sung vào lễ hội những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cư dân ven biển nam Trung bộ. Trong Lễ hội yến sào Khánh Hòa, du khách có dịp trải nghiệm thú vị khi lênh đênh trên những chiếc tàu du lịch để ra các đảo yến và tận mắt chứng kiến những “tòa lâu đài” mà loài chim này “xây dựng” tại các hang đảo. Du khách cũng sẽ được chứng kiến các nghi lễ mà những hậu duệ của nghề yến sào tiến hành một cách bài bản trong suốt thời gian diễn ra lễ cúng.
Những bậc tiền nhân có công khai mở nghề khai thác yến sào trên đất Khánh Hòa hẳn sẽ rất hài lòng khi thấy con cháu không những bảo vệ, duy trì nghề truyền thống này một cách liên tục mà còn phát huy tối đa bằng những sáng kiến được các hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao và được xã hội thừa nhận. Những sáng kiến mang đậm dấu ấn của các nhà khoa học đang làm việc tại Công ty Yến sào Khánh Hòa mà thủ lĩnh là thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa , không những mang lại nguồn thu to lớn về kinh tế cho công ty và địa phương mà còn mang ý nghĩa lớn lao hơn, đó là nhân rộng các mô hình từ những sáng kiến này để toàn xã hội cùng hưởng lợi.
Việc di đàn yến ra các đảo hoang là một ví dụ. Từ 8 đảo yến với 40 hang yến, đến nay công ty đã di đàn, nhân đàn quần thể chim yến thành công với 25 đảo cùng 133 hang yến mới, nâng tổng số hang yến lên đến 173 hang với 33 đảo yến trải dài từ Quảng Bình cho đến tận Côn Đảo. Hiện nay, công ty đang triển khai áp dụng trên diện rộng toàn bộ các hang còn diện tích làm tổ trên vách hang tại các đảo yến do công ty quản lý. Cùng với việc di đàn, công trình nghiên cứu ấp nở nhân tạo từ trứng chim yến cũng là một bước đột phá của các nhà khoa học tại công ty. Hằng năm, bằng phương pháp ấp nở nhân tạo này, các nhà khoa học đã cung cấp cho tự nhiên 5 vạn con chim yến. Số chim yến này đã “có mặt” tại 200 nhà yến trong tỉnh Khánh Hòa. Đây là những nhà yến do cán bộ kỹ thuật của công ty trực tiếp tư vấn và thiết kế xây dựng.
Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu và cho ra đời những công trình được áp dụng ngay vào thực tiễn, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã được khen thưởng xứng đáng bằng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2015. Tuy nhiên, “phần thưởng” lớn hơn cả đó là sự tri ân của những người gắn liền với nghề yến trên khắp cả nước khi họ tiếp nhận được các mô hình do công ty hướng dẫn triển khai vào thực tế và mang lại hiệu quả cao.
Ghi nhận những cống hiến lớn lao cho việc nghiên cứu loài chim yến và áp dụng vào thực tiễn của Công ty Yến sào Khánh Hòa, mới đây tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học - Công nghệ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quỹ Vifotec đã trao giải nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam cho thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, chủ nhiệm của đề tài “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi chim yến và xây dựng nhà yến phù hợp với từng vùng miền, địa phương phục vụ phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam”. Công trình này cũng được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao giải thưởng WIPO ngay trong buổi vinh danh nói trên. Đồng thời, công trình cũng đạt Giải thưởng khoa học công nghệ quốc tế SIIF tại Hàn Quốc.
Với 3 giải thưởng lớn mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế cho một công trình nghiên cứu khoa học đã đánh dấu bước phát triển mới của Công ty Yến sào Khánh Hòa trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam; hướng tới giá trị vì lợi ích cộng đồng; bảo vệ môi trường sinh thái; khai thác tốt tiềm năng nguồn lợi yến sào hết sức quý giá của quốc gia.
Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng cho biết: “Chúng tôi luôn trân trọng, phát huy giá trị lịch sử ngành nghề, tri ân công lao to lớn của Thủy tổ, Thánh mẫu và các thế hệ đi trước đã tâm huyết xây dựng ngành nghề yến sào. Tập thể cán bộ lãnh đạo, công nhân viên Công ty Yến sào Khánh Hòa phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, tư duy sáng tạo; nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh được giao. Công ty Yến sào Khánh Hòa quyết tâm xây dựng doanh nghiệp phát triển xứng danh là Đơn vị Anh hùng lao động; góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp”.
Với tất cả tấm lòng thành kính của mình, hôm nay những hậu duệ của nữ tướng Huyền Trâm thuở trước lại tề tựu về Hòn Nội này để thắp những nén hương tưởng nhớ Thủy tổ, Thánh mẫu đồng thời bảo ban nhau hãy giữ gìn truyền thống quý báu của nghề này bằng những việc làm thiết thực, những sáng tạo khoa học, bí quyết kỹ thuật mang lại nhiều hữu ích cho công ty và cho cả cộng đồng như đã từng làm trong hàng chục năm qua; góp phần xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp.
Bình luận (0)