Tại lễ công bố, hàng ngàn người dân Quảng Nam và du khách thập phương tham dự, xem các chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử của di sản, di tích Bà Thu Bồn.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó chủ tịch UBND H.Duy Xuyên, cho biết Lễ hội Bà Thu Bồn có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng thượng lưu sông Thu Bồn.
H.Duy Xuyên đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn |
mạnh cường |
Là lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian được truyền lại qua bao đời nhằm thể hiện lòng thành kính, tôn vinh, tri ân công đức của Bà và các vị tiền nhân trong công cuộc mở cõi, lập làng, tạo cơ sở và điều kiện cho các thế hệ kế tiếp an cư lạc nghiệp, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn.
“Lễ hội Bà Thu Bồn hội tụ những giá trị nhân văn vô cùng quý giá, mang đậm màu sắc tín ngưỡng, lịch sử, văn hóa rất cần được bảo tồn, phát huy và khai thác để góp phần giáo dục lòng yêu thương con người, yêu quê hương đất nước”, ông Đức khẳng định.
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại buổi lễ |
mạnh cường |
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết Lễ hội Bà Thu Bồn là một hình thái lễ hội dân gian được hình thành từ khi người Việt ở phía Bắc di cư đến khai phá vùng đất mới, lập làng xã vào thế kỷ 15. Sau đó, giao thoa tiếp biến với văn hóa Champa, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi phía tây Quảng Nam để tạo nên tín ngưỡng thờ mẫu Bà Thu Bồn với những giá trị văn hóa đặc sắc và được bảo tồn, phát huy cho đến ngày nay.
Theo ông Tân, sức lan tỏa và sự bám rễ sâu bền trong đời sống xã hội của tín ngưỡng thờ Bà Thu Bồn xuất phát từ chính khát vọng chính đáng của người dân luôn cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và quốc thái dân an..., góp phần thắt chặt nghĩa đồng bào, khơi dậy hồn thiêng sông núi.
Lễ hội Bà Thu Bồn còn là minh chứng hùng hồn cho sợi dây kết nối cộng đồng, tinh thần quê hương đất nước mà trong đó vùng đất Duy Tân là nơi hội tụ, giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa miền núi với miền xuôi trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển Quảng Nam.
“Đây là một sự kiện rất quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam – điểm đến du lịch xanh”. Lễ hội Bà Thu Bồn là sản phẩm mang tinh thần sáng tạo, là tài sản văn hóa vô giá thể hiện đặc trưng văn hóa xứ Quảng”, ông Tân khẳng định.
Tương truyền, Bà là một nữ tướng người Chăm, tài sắc vẹn toàn, từng chinh chiến nhiều trận mạc. Trong một trận thất thủ, Bà men theo hướng tây đến Phường Rạnh (nay là xã Quế Trung, H.Nông Sơn, Quảng Nam), xét thấy nơi đây địa hình hiểm trở, trước có sông sâu, sau có núi cao, ruộng đồng, rừng núi bao la, đảm bảo điều kiện cho việc ổn định quân tình, chờ cơ hội phản công.
Làm lễ Đại tế theo nghi thức truyền thống trong khu di tích lăng Bà Thu Bồn |
mạnh cường |
Bà đã chọn nơi đây làm nơi sinh sống và là căn cứ đóng quân, đó là Dinh Bà hiện nay. Tại đây, bên cạnh việc chiêu quân và tổ chức luyện binh, Bà còn cho quân lính đào giếng, đào ao, trồng lúa, chăn nuôi; dạy cho dân làng trồng dâu nuôi tằm, quay tơ, dệt vải, cách dùng thảo mộc trong rừng để chữa bệnh cho người và vật nuôi.
Trong một lần giao tranh bị thất bại, trong lúc thế cùng, lực kiệt, Bà đã gieo mình xuống dòng sông Thu Bồn tự vẫn. Xác Bà trôi về dưới miền xuôi, được nhân dân làng Thu Bồn (xã Duy Tân, H.Duy Xuyên) an táng, thờ phụng và xây dựng lăng Bà ngày nay…
Tưởng nhớ công ơn của Bà, từ ngày 10 - 12.2 âm lịch hằng năm, chính quyền và người dân địa phương sống dọc sông Thu Bồn lại nô nức tổ chức Lễ hội Bà Thu Bồn, thể hiện khát vọng phồn vinh, cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an cho cộng đồng làng xã.
Bình luận (0)