Buôn bán tràn lan, trông giữ xe giá cắt cổ, tận dụng từng khoảng đất trống để buôn bán, ăn uống, tụ tập trò đen đỏ… khiến Hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại đền Hóa Dạ Trạch (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) trở thành một hội chợ, nhốn nháo, nhếch nhác.
|
Trước giờ khai hội sáng 2.3, con đường trước cổng đền ách tắc suốt 2 km với tràn ngập hàng quán bánh kẹo, trái cây, đồ chơi, người ăn xin... Ngay trước mặt đền chính, những người bày phá cờ thế, đổi tiền lẻ, bán sách vở, mũ áo, xúc xích, cân đo sức khỏe… thoải mái tràn xuống giữa đường. Bên trong, trên hồ bán nguyệt, thuyền rồng đang hát quan họ, mời trầu khách thập phương thì phía này người lớn, trẻ con tíu tít lội nước rửa chân, xả rác, phía kia hàng bong bóng, bắp rang rao bán với âm thanh lớn chẳng thua gì loa của ban tổ chức.
Chiều 2.3, trong đền chính khi các bô lão đang đọc văn tế thì ngoài đền eo éo tiếng quảng cáo mời chơi trò chơi. Bên phải đền, quán cà phê Công Thuần tấp nập người ngồi uống bia, bật nhạc sàn rầm rầm. Mấy thanh niên hò nhau căng tấm phông quảng cáo cho một “đêm ca nhạc nhảy DJ” diễn vào buổi tối.
Khu vui chơi giải trí được một công ty tranh thủ tổ chức cầu trượt, mô tô bay cho các em nhỏ làm lối vào đền cũng khó chen chân. Kế bên, san sát dù, bạt được dựng lấy chỗ cho xóc đĩa, bầu cua tôm cá. Chen lấn, xô đẩy, tay cầm hàng nắm tiền, nhiều thanh niên thua cờ bạc văng tục chửi bậy tán loạn. Tuyệt không thấy bóng dáng đội bảo vệ trật tự ở đâu.
Bà Nguyễn Thị Tề, đại diện Ban Văn hóa tư tưởng Hội đền Dạ Trạch, cho biết năm nay buôn bán thế là chưa bằng năm ngoái. Hội đúng vào kỳ nghỉ cuối tuần nên người đến nườm nượp, có điều xô xát xảy ra tại hội đã ít hơn. Theo Trưởng công an xã Dạ Trạch, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, có khoảng 45 người được cắt cử bảo vệ trật tự hội đền, nhưng với 4 ngày đêm có mặt liên tục tại hội, con số trên vẫn quá ít. Khi được hỏi về tình hình lễ hội, Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch kiêm Trưởng ban Tổ chức lễ hội, ông Nguyễn Như Đăng, nói: “Năm nay lễ hội tổ chức quy mô hơn hẳn mọi năm, các khâu bảo đảm an ninh, trật tự được quản lý chặt chẽ”. Trả lời về việc buôn bán, cờ bạc tại lễ hội, ông Đăng cho hay đã hết sức nỗ lực, nhưng không thể hạn chế hết được người thập phương về tranh thủ làm ăn. Còn quán cà phê bật nhạc sàn, tổ chức đêm nhạc nhảy DJ sát đền chính, theo ông Đăng là không ảnh hưởng đến không gian truyền thống của lễ hội, đó chỉ là âm thanh quảng cáo cho quán cà phê của họ mà thôi (!?).
Thúy Hằng
Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung là biểu tượng cho tình yêu và là một trong “tứ bất tử”, tức bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam. Theo đó, Chử Đồng Tử là con một ngư phủ nghèo, cha con có một chiếc khố thay nhau đóng. Một hôm thấy công chúa Tiên Dung, con vua Hùng thứ 3, đi thuyền trên sông Hồng, Chử Đồng Tử hoảng hốt vùi mình xuống cát. Tiên Dung khi ấy bỗng nhiên muốn dựng lều tắm trên bãi cát, đúng chỗ họ Chử giấu mình. Khi nước xối, cát trôi, thấy Chử Đồng Tử, Tiên Dung hỏi chuyện và xúc động, hai người sau đó thành thân… Đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch (thuộc hai xã cùng tên ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên) thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung. Hội Chử Đồng Tử tổ chức tại đây là một trong những lễ hội lớn ở Việt Nam, diễn ra từ 10-12.2 âm lịch. |
Bát nháo trong lễ hội Dinh Cô Lễ hội Dinh Cô diễn ra tại thị trấn Long Hải, H.Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong ba ngày 2, 3 và 4.3, thu hút gần 100.000 lượt du khách. Do lượng khách tăng đột biến đã dẫn đến tình trạng quá tải, không kiểm soát được giá cả và vệ sinh môi trường. Các nhà nghỉ tư nhân, phòng trọ hầu hết đều găm phòng, làm giá, từ 1-1,5 triệu đồng/phòng trở lên. Hàng ngàn người phải trải bạt xuống đất nằm la liệt trên các con đường dẫn vào Dinh Cô, bãi biển... Quanh Dinh Cô, bãi biển tràn ngập rác thải, bốc mùi hôi thối. Dịch vụ giữ xe cũng được các hộ dân đẩy giá lên rất cao, từ 10.000 - 50.000 đồng/xe máy. Trong thời gian diễn ra lễ hội đã xảy ra 4 vụ trộm cắp, cướp giật. Lực lượng CSGT lập biên bản 160 trường hợp vi phạm an toàn giao thông; tạm giữ 132 xe máy... Nguyễn Long |
Bình luận (0)