Lễ hội cầu ngư ở Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

12/12/2024 09:01 GMT+7

Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý (Bình Định) hình thành trên 200 năm, vừa được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 12.12, Sở VH-TT tỉnh Bình Định cho biết, lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn, Bình Định) vừa được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ký ban hành quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội cầu ngư ở Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 1.

Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý (ở xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn, Bình Định)

ẢNH: H.P

Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý là lễ hội truyền thống được ngư dân địa phương tổ chức hằng năm, bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch.

Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý diễn ra theo nghi lễ cổ truyền, gồm: lễ nghinh thần Nam Hải, lễ tỉnh sinh, tế cầu quốc thái dân an, ngư dân ra khơi bình an, đánh bắt hải sản được mùa...

Ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: biểu diễn bả trạo, hát bội, chèo thuyền, bơi thúng, đánh bài chòi và các trò chơi dân gian khác.

Lễ hội cầu ngư không chỉ hoạt động của người dân làng biển mà còn thu hút đông đảo du khách tham dự, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng ở địa phương.

Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được hình thành trên 200 năm, gắn với quá trình lập làng, hình thành nét đặc trưng rất riêng ở Bình Định. Lễ hội là một hồi ức về không gian đánh bắt hải sản trên biển, ẩn chứa nét văn hóa tín ngưỡng ngư dân vùng biển qua nhiều giai đoạn trong diễn trình lịch sử.

Lễ hội cầu ngư ở Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 2.

Tàu cá của ngư dân xã Nhơn Lý đang neo đậu gần bờ

ẢNH: HẢI PHONG

Lễ hội được vun bồi, kiến tạo qua nhiều thế hệ, tạo nên những sinh hoạt dân gian của cộng đồng ngư dân qua mùa đánh bắt hải sản, tạo ra những hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các nghệ nhân gắn bó với vạn chài từ khi còn rất trẻ.

Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 6 của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp sau võ cổ truyền Bình Định, hát bội Bình Định, nghệ thuật bài chòi Bình Định, lễ hội chùa Bà - cảng thị Nước Mặn, nghề chằm nón ngựa Phú Gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.