Lễ hội 'chém lợn phanh thây': Đừng đợi quốc tế lên tiếng

30/01/2015 09:53 GMT+7

Cái tục chém lợn ở Ném Thượng kia xảy ra vào đầu xuân. Kể cũng hài hước, đón xuân trong khung cảnh máu me, chém giết, chết chóc, tàn bạo. Ấy thế mà vẫn duy trì, thậm chí còn được cổ vũ, tạo điều kiện.

Cái tục chém lợn (heo) ở Ném Thượng kia xảy ra vào đầu xuân. Kể cũng hài hước, đón xuân trong khung cảnh máu me, chém giết, chết chóc, tàn bạo. Ấy thế mà vẫn duy trì, thậm chí còn được cổ vũ, tạo điều kiện. 
Sau lễ rước, ông Ỉn (con lợn dùng tế thánh) bị buộc 4 chân lại để chuẩn bị cho lễ chém - Ảnh: Nguyên Minh
Cái gì phải đến sẽ đến. Và đã đến. Nhưng không phải điều hay, mà dở, rất dở đối với chúng ta. Đó là việc Tổ chức động vật châu Á (AAF) vừa chính thức phát động chiến dịch kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Đồng thời với việc vận động tẩy chay, AAF cũng có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng VN như Bộ Thông tin - Truyền thông, chính quyền tỉnh Bắc Ninh… để bày tỏ ý kiến và đề nghị hỗ trợ. Họ cũng nói rằng đã nhiều lần lên tiếng, nhiều lần đề nghị với VN nhưng không được quan tâm, xem xét.
Chỉ cần vào mạng internet mở coi vài tấm ảnh là có thể tự bày tỏ thái độ đồng tình hay ủng hộ. Đành rằng trước mỗi sự việc luôn có những suy nghĩ, thái độ, quan điểm khác nhau nhưng giá ai rảnh rỗi làm thử phép thống kê sẽ thấy ngay hầu hết là phản đối, thậm chí cực lực lên án. Mà cũng phải thôi, hay ho gì thứ hành vi tàn ác, hay gì cái sự vui sướng trong cảnh máu me, chém giết, tàn bạo. Dù có biện minh, lý giải, viện đủ những nghiên cứu này nọ, tập tục dân gian, đòi hỏi của phong tục, yêu cầu của cộng đồng… đi chăng nữa thì vẫn phải nói rằng cái thứ lễ hội ấy nó trái với lòng người lắm, nó đi ngược lại với chiều của cuộc sống văn minh lắm lắm.
Nhân loại sau hàng ngàn năm đã chuyển mình, để lại đằng sau đủ thứ vui buồn, hay dở, tốt xấu. Và đã thành quy luật, cái xấu, cái dở mỗi ngày bị đào thải để cuộc sống mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Mọi quốc gia, mọi dân tộc đều thế cả, chỉ có điều sự vận động ở chỗ này chỗ khác nhanh hay chậm mà thôi.
Dù có được người đời sau biến thành hội, lễ hội, khoác cho chúng những mỹ từ như phong tục truyền thống, nét đẹp đặc sắc văn hóa dân gian… thì xét cho cùng cũng chỉ là tục lệ, mà không hẳn tục nào người đời trước truyền lại cho đời sau đều tốt cả. Mấy thứ lễ hội chém lợn, đâm trâu, chọi trâu… dứt khoát không phải là phong tục bởi phong tục bao giờ cũng phải toát lên vẻ đẹp thanh cao, thể hiện đạo đức, lối sống văn minh. Đó chỉ là những hủ tục đi ngược chiều tiến hóa, cần dứt khoát loại bỏ khỏi đời sống.
Sự lên tiếng của AAF chính vào lúc này có lý do rõ ràng chứ không phải như những lần đề nghị trước. Mùa xuân đã cận kề. Cái tục chém lợn ở Ném Thượng kia xảy ra vào đầu xuân. Kể cũng hài hước, đón xuân trong khung cảnh máu me, chém giết, chết chóc, tàn bạo. Ấy thế mà vẫn duy trì, thậm chí còn được cổ vũ, tạo điều kiện. Có cả những giáo sư, tiến sĩ, những nhà nghiên cứu ra sức bảo vệ cho tập tục man rợ này. Cả một bộ máy được gọi là hệ thống chính trị vẫn chấp nhận tập tục này.
Và dư luận xã hội, dù ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng thì người ta vẫn vui xuân bằng cách chém lợn. Chém lợn sống, vung vãi máu me. Chém trước mặt bàn dân thiên hạ, trong đó có không ít trẻ em ngây thơ trong trắng. Có người bảo hành vi đó tàn ác với con vật thì ít mà với con người thì nhiều. Ông hàng xóm nhà tôi, một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử, chứng kiến bao nhiêu cái chết, bao nhiêu máu me, vậy mà vẫn rùng mình khi coi cảnh chém lợn ở Ném Thượng trên tivi, thốt ra rằng tại sao người ta lại có thể công nhiên tàn ác thế, tại sao trước sinh linh người ta lại có thể lạnh lùng vung lưỡi dao để tìm niềm vui như thế?
Xứ này trong suốt chiều dài lịch sử chinh phục thiên nhiên và chống ngoại xâm đã phát sinh nhiều tục. Dù có được người đời sau biến thành hội, lễ hội, khoác cho chúng những mỹ từ như phong tục truyền thống, nét đẹp đặc sắc văn hóa dân gian… thì xét cho cùng cũng chỉ là tục lệ, mà không hẳn tục nào người đời trước truyền lại cho đời sau đều tốt cả.
Mấy thứ lễ hội chém lợn, đâm trâu, chọi trâu… dứt khoát không phải là phong tục bởi phong tục bao giờ cũng phải toát lên vẻ đẹp thanh cao, thể hiện đạo đức, lối sống văn minh. Đó chỉ là những hủ tục đi ngược chiều tiến hóa, cần dứt khoát loại bỏ khỏi đời sống. Trong khi thế giới có cả những tổ chức bảo vệ động vật, yêu mến động vật, đấu tranh đòi quyền sống cho động vật thì thật buồn ở ta lại lôi động vật ra đâm chém, bắt động vật chọi giết nhau để thỏa mãn cái gọi là “nhu cầu tinh thần”.
Nhà trường vẫn dạy các em học sinh phải sống nhân ái, biết yêu thương loài vật (yêu con người thì đương nhiên rồi). Trong nhiều bộ phim hoạt hình, con trâu, con bò, con mèo, con chó…, thậm chí cả con chuột, con sâu cũng có nét đáng yêu. Lòng ta khi đã ngập tràn yêu thương thì sự hận thù không còn chỗ chen vào. Những hành vi tàn bạo với con vật, ở góc độ nào đó, là mầm mống cho hành vi độc ác với con người. Tôi dám đoan chắc rằng bất cứ nhà sư phạm nào dạy cho học trò tính lương thiện, lòng yêu thương loài vật đều sẽ thất bại khi các em cứ phải thường xuyên chứng kiến cảnh chém lợn, đâm trâu. Lòng nhân từ dần chai sạn đi, sự lạnh lùng, dữ dằn ngày một tăng thêm, thử hỏi ta có thể đòi hỏi gì hơn ở họ trong việc tạo dựng một xã hội văn minh. Hãy ráng giữ lòng từ bi bác ái trong mỗi con người, nếu chưa tạo thêm được những điều tốt đẹp thì trước mắt hãy nên bớt, nên bỏ những điều có thể hủy hoại tâm hồn.
Đợi đến khi AAF phải lên tiếng dứt khoát như thế, kể cũng đáng suy nghĩ, thậm chí xấu hổ. Chúng ta còn bao nhiêu thứ cần phải điều chỉnh, loại bỏ, thanh lọc để xã hội ngày càng trong sạch, lành mạnh, tốt đẹp hơn, con người giàu yêu thương hơn, nhưng có lẽ việc có thể làm được ngay, làm sớm, dứt khoát là dẹp bỏ cái lễ hội chém lợn Ném Thượng tàn ác kia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.