PHẦN TƯ THẾ KỶ CHO MỘT LẦN KHAI HỘI
Bản A Liêng trước đây là một vùng đất hoang vu, khốn khó trăm bề ở xã Tà Rụt, H.Đakrông. Nhưng với ý niệm về đời sống tâm linh, năm 1975 bản A Liêng tổ chức lễ Ariêu Ping với sự hỗ trợ của 9 bản làng lân cận. Hơn 10 năm (1986), để giải quyết những thiếu sót về luật tục hôn nhân, tập quán sống, Ariêu Ping lại được tổ chức, quy mô lớn hơn với sự tham gia của 12 bản khác. Năm 1995, Ariêu Ping tiếp tục trở lại. Nhưng kể từ sau lần ấy, lễ Ariêu Ping như bị "quên lãng". Những vị cao niên trong bản chỉ còn chép miệng nhớ đến Ariêu Ping của quá khứ, trong khi lớp trẻ sinh ra chưa hề biết đến lễ Ariêu Ping một lần trong đời...
Vậy nên, khi Ariêu Ping vừa "hồi sinh" năm 2020, già Kôn Hê nhòe nước mắt. "Bố cứ tưởng đến khi về với Giàng cũng chẳng còn cơ hội dự một lễ Ariêu Ping nào nữa. Nay cuộc sống ấm no, được sự hỗ trợ của nhà nước, dân bản mới góp sức lại tổ chức một lễ Ariêu Ping thật to để tạ tội với ông bà tổ tiên, để mời họ về đây rồi sẽ lo phần nhà mồ lại cho đàng hoàng. Có như thế khi nhắm mắt bố sẽ tin rằng mình mất đi cũng được cháu con ngưỡng vọng như chính các linh hồn bây giờ…", già Hê xúc động.
Trong quá khứ, Ariêu Ping thường được mở khi việc nương rẫy đã ngớt, lúa ngô đã được thu hoạch về chất đầy nhà sàn. Dịch sát nghĩa, "Ariêu" có nghĩa là rượu, "Ping" có nghĩa là lăng (mộ), nên đây là một lễ hội mang màu sắc tâm linh của một tộc người vùng sơn cước. Một người Pa Kô chính gốc may mắn lắm cũng chỉ có thể chứng kiến vài ba lễ Ariêu Ping trong đời mình. Còn với người miền xuôi, được trẩy hội Ariêu Ping là một trải nghiệm hiếm có.
Theo những người Pa Kô cao niên, Ariêu Ping mang ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn, ngưỡng vọng của người sống đối với những người đã khuất, gọi mời linh hồn của những người này trở lại bản làng để thưởng thức những lễ vật hiến tế rồi đưa các linh hồn này trở lại nhà mồ sau
3 ngày. Ariêu Ping cũng là dịp để chức sắc, già làng đưa ra phân xử các việc trong, ngoài bản trước sự "chứng kiến" của các bậc tiền nhân, các vị thần núi rừng...
Vì ý nghĩa thiêng liêng đó, Ariêu Ping không được tổ chức thường niên, và không phải lúc nào thích là tổ chức. Ví như bản A Liêng, phải ngót 25 năm Ariêu Ping mới trở lại.
3 NGÀY 3 ĐÊM NÁO NHIỆT
Ariêu Ping đúng lễ hội truyền thống kéo dài 3 ngày 3 đêm. Lễ chính bắt đầu khi các Rờ gióc (những vị khách không mời) trong những bộ quần áo sặc sỡ, chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người Pa Kô, nhảy múa từ đầu bản hướng về phía trung tâm. Theo tục lệ, các Rờ gióc càng nhiều thì lễ Ariêu Ping càng thành công, nên tuy là "khách không mời" nhưng họ rất được nể trọng, đi đến đâu cũng có rượu thịt tiếp đãi.
Khi mọi người đang reo hò đón khách thì ở phía sau Ân trạp (nhà viếng), tiếng trống chiêng vẫn bập bùng. Đây là nơi để tro cốt của những người đã khuất. Đêm trước đó, những người được giao trọng trách đã vào rừng ma cất bốc số tro cốt này, đặt vào trong các hộp gỗ nhỏ rồi mang về. Điều cấm kỵ nhất trong không gian chật hẹp và nghi ngút khói hương này là không được dừng tiếng trống, tiếng chiêng, nên các trai bản cứ phải uống rượu và đánh như thế thâu đêm suốt sáng…
Già làng Kôn Hơm (bản A La, xã A Ngo, H.Đakrông) từng lý giải hoạt động này cốt là để bốc mộ người thân của tất cả dòng họ trong làng vốn được an táng rải rác, nay cải táng quy tập về một khu vực cho tiện chăm sóc, thăm viếng. Trong khi đó, nhà "Pa Kô học" Karay Sức (cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, H.Đakrông) cho rằng: "Lễ Ariêu Ping gần giống như ngày kỵ giỗ ở dưới xuôi, nhưng đây là giỗ tập thể. Vì thế, bà con dòng tộc nội ngoại sẽ kéo đến rất đông, họ chuyện trò và ăn uống rượu thịt mà không cần phải mời".
Ngoài phần sôi động nhất là lễ đâm trâu, trong lễ Ariêu Ping còn có màn "phân xử" các việc lớn nhỏ. Việc nhỏ như giải quyết các quan hệ Khơi-Cuja (nội - ngoại) thì chỉ cần già làng "ra tay" là đủ. Còn việc lớn như tranh chấp ranh giới, mồ mả thì có cả "hội đồng các già làng" phân xử. Nên dự Ariêu Ping, ngoài phần lễ linh thiêng, phần hội vui tươi thì còn giống như một "phiên tòa lưu động". Vì thế, cần những 3 ngày 3 đêm lễ hội Ariêu Ping mới xong.
Trong thời gian này, tất thảy các nóc nhà trong bản đều phải sáng đèn. Vậy nên, Ariêu Ping là lễ tri ân người chết nhưng lại tôn vinh những người sống luôn biết hướng về cội nguồn.
(còn tiếp)
Bình luận (0)