Tối 10.10, tại quảng trường Trần Quang Khải (TP.Rạch Giá), UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Lễ hội này được tổ chức vào ngày 26, 27 và 28.8 âm lịch hằng năm. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 155 năm "chiến thắng diệt đồn Kiên Giang" của ông Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân. Đặc biệt, trong chương trình, lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực vinh dự đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ôn lại những chiến công của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Theo đó, anh hùng Nguyễn Trung Trực nổi tiếng với 2 chiến công vang dội tiêu biểu và câu nói "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây", được sử sách lưu danh, người đời ca tụng.
Năm 23 tuổi, ông đã chỉ huy đốt và đánh chìm tàu Pháp trên Vàm Nhựt Tảo. Năm 30 tuổi, ông tiếp tục chỉ huy diệt đồn Kiên Giang. Sau khi bắt được ông, khuyến dụ không thành, ngày 27.10.1868, quân Pháp đem về xử chém tại Rạch Giá, khi đó ông mới 30 tuổi.
Sau khi Nguyễn Trung Trực bị xử chém, để tưởng nhớ công lao của người anh hùng xả thân vì nước, người dân thờ cúng ông tại đình thờ Ông Nam Hải, tại xóm chài trên bờ kênh ông Hiển. Đến năm 1891, đình thần Nam Hải được di dời về địa điểm hiện tại thuộc P.Vĩnh Thanh, TP.Rạch Giá.
Hằng năm, cứ đến ngày 26, 27, 28.8 âm lịch, nhân dân ở khắp nơi trong cả nước cùng nhau hội tụ về ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực để chiêm bái, tri ân vị anh hùng dân tộc. Mỗi năm, di tích đón từ 2 đến 3 triệu lượt khách đến viếng, là một điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc biệt của tỉnh.
Tại buổi lễ diễn ra tối 10.10, lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực vinh dự được Bộ VH-TT-DL trao bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Kiên Giang, Phó trưởng Ban tổ chức lễ hội, cho rằng lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự công nhận trong phần tổ chức lễ hội mang tính cộng đồng rất cao của TP.Rạch giá, của nhân dân trong tỉnh cũng như các địa phương ngoài tỉnh. Lễ hội đã tổ chức nhiều năm nay, tạo ý thức uống nước nhớ nguồn của dân tộc, của nhân dân ĐBSCL đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Trước khi khai mạc lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, chiều cùng ngày, nhiều đoàn cán bộ T.Ư, các ban ngành đoàn thể địa phương đã đến thắp hương tại di tích lịch sử văn hóa mộ và đình thần Nguyễn Trung Trực, thể hiện lòng thành kính, tri ân đối với vị anh hùng dân tộc đã xả thân chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông, đất nước.
Bình luận (0)