(TNO) Chưa xác định lễ hội ấy có từ khi nào, chỉ biết rằng, cứ vào sáng mùng 3 tết hằng năm, tại cửa biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) lại diễn ra lễ hạ thủy, dân gian quen gọi là lễ “nhúng nước lưới” đầu năm. Có thể xem đây là một lễ hội độc đáo nhất dọc vùng ven biển miền Trung hiện nay.
Độc đáo ở chỗ, lễ diễn ra ngay trong ngày tết, lại không chỉ vui chơi nhảy múa đơn thuần mà là làm kinh tế, hoặc ít ra là cũng khởi động cho việc làm ăn trong năm.
Thứ nữa, lễ lại gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà cụ thể ở đây là hát bả trạo và hát sắc bùa, hai loại hình văn hóa dân gian miền biển cứ ngỡ đã thất truyền từ lâu. Đây là phong tục đã có từ hàng trăm năm nay của ngư dân vùng biển này.
Chiếm khoảng 30% lượng tàu thuyền của Quảng Ngãi, cửa biển Sa Huỳnh luôn nhộn nhịp vào-ra của các con tàu đánh bắt xa bờ. Mỗi năm, người dân Sa Huỳnh khai thác khoảng trên 22.000 tấn hải sản các loại. Ba năm nay, cửa biển bị bồi lấp nặng do những đụn cát thiên di sau các đợt triều cường. Tỉnh Quảng Ngãi đã bỏ ra trên 30 tỉ đồng để làm bờ kè chắn cát, tuy nhiên, cửa biển vẫn bị bồi lấp khiến nhiều con tàu bị mắc cạn khi vào cửa Sa Huỳnh.
Dù vậy, lễ nhúng nước lưới của hơn hai vạn dân chài cửa biển Sa Huỳnh vẫn được duy trì thường xuyên vào ngày mùng 3 tết hằng năm. Tương truyền, cách đây khoảng trên 200 năm, trong làng chài có ông Phò làm nghề mành cơm, trong lúc kéo lưới đã vớt được tượng Phật bà. Dân làng chài Sa Huỳnh đã xây dinh bên núi Cấm để đặt tượng Phật bà vào đó, gọi là Dinh Bà.
Vào sáng mùng 3 tết hằng năm, ông vạn trưởng của làng chài mang lễ vật sang Dinh Bà để làm lễ tế trời đất, thần linh, còn hàng trăm tàu đánh cá thì sẵn sàng trong cửa biển, cờ xí rợp trời, chờ lệnh xuất phát ra khơi. Vạn trưởng bên Dinh Bà sẽ là người phát lệnh qua ba hồi trống.
Dân chúng từ Ba Tơ, Tam Quan (Bình Định) đổ về Sa Huỳnh xem lễ nhúng nước lưới. Hàng trăm tàu nối đuôi ra khơi, đến một địa điểm tùy thích trên biển, từng tàu một tiến hành nhúng nước tượng trưng số lưới trên tàu, xong cuốn lưới ra về, tiếp tục vui chơi những nốt ngày tết còn lại. Cũng có tàu ra khơi đánh cá thật sự, những chú cá bắt được ngày mùng 3 tết ấy được “hiến tế” trong các cuộc vui.
Trên bờ, đội bả trạo, đội hát sắc bùa vẫn tiếp tục múa và hát cho đến tận trưa. Các loại hình nghệ thuật dân gian này đã song hành với cư dân Sa Huỳnh từ lúc khai sơn phá thạch, được người dân gìn giữ từ hàng trăm năm nay.
Nhiều chục năm qua, các loại hình văn hóa khác “tấn công”, cứ ngỡ sắc bùa và bả trạo đã thất truyền, song các lão ngư Sa Huỳnh vẫn không quên các loại hình văn hóa dân gian khá đặc biệt này. Xã Phổ Thạnh đã lập hẳn đội bả trạo và đội hát sắc bùa, toàn các thiếu nữ và thanh niên trai tráng tham gia để phục vụ trong các ngày lễ, tết.
Có thể nói, hát bả trạo, sắc bùa cùng với lễ nhúng nước lưới của người dân nơi này đã kế thừa một cách bền chặt và đáng nâng niu với những gì mà cha ông họ đã làm được cách nay đã mấy ngàn năm để cả thế giới phải ngả mũ cúi chào về một nền văn minh cổ xưa được mang danh “Văn hóa Sa Huỳnh”.
|
Trần Đăng
>> Cá đầy tàu về từ Hoàng Sa
>> Bát nháo trước cửa chùa
>> Chào Nhâm Thìn 2012
>> Nhộn nhịp sắm “phụ kiện” cho ông Công, ông Táo
>> Phố phường Hà Nội ấm sắc đào, mai
>> Thanh long tết mất mùa, rớt giá
>> Giá tăng, thị trường đồ trang trí tết vẫn nhộn nhịp
>> Hà Nội được mùa quất cảnh
>> Dân thủ đô chi tiền “khủng” mua lan chưng tết
>> Hoa kiểng "hóa" rồng lên ngôi
>> Múa lân ngày xuân - Từ nét đẹp… đến biến tướng
>> Rộn ràng "Phố ông đồ
>> Nhộn nhịp chợ Tết công nhân
Bình luận (0)