Lễ hội này được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ký quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hồi tháng 4.2022, trên cơ sở đề xuất của UBND TP.HCM. Buổi lễ đón bằng chứng nhận diễn ra trước ngày giỗ lần thứ 190 của Đức tả quân Lê Văn Duyệt, dự kiến diễn ra hôm nay (26.8).
Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt đón bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Nhật Thịnh |
Lễ Khai hạ - Cầu an thường diễn ra vào mùng 7 tháng giêng hằng năm với các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn gắn bó mật thiết, thể hiện sống động hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống nhân dân. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau như: hạ nêu, khai bút và khai ấn.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị Sở VH-TT, Sở Du lịch phối hợp với chính quyền địa phương hợp tác chặt chẽ, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội để luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ. Bên cạnh đó, cần có nhiều hình thức quảng bá di sản này đến cả nước và bạn bè quốc tế, trở thành điểm đến trang nghiêm nhưng vẫn hấp dẫn, gần gũi, đặc trưng của du lịch mà du khách không thể bỏ qua khi đến thành phố. Hiện TP.HCM có 3 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 lễ hội còn lại là: lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ và lễ hội Nguyên Tiêu ở Q.5.
Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 - 1832) là một trong “Ngũ hổ tướng” thành Gia Định với 2 lần làm Tổng trấn Gia Định thành, được đánh giá là người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, phát triển vùng đất Nam bộ. Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ là bà Đỗ Thị Phận được xây dựng năm 1948, thường gọi là lăng Ông Bà Chiểu.
Bình luận (0)