Lễ hội nâng tầm văn hóa Việt

11/12/2022 06:07 GMT+7

Phát biểu khai mạc Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM lần 2 - Hò dô 2022 , bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, kỳ vọng Hò dô sẽ trở thành một lễ hội âm nhạc quốc tế thường niên mang tính chuyên nghiệp cao, là thương hiệu riêng độc đáo của thành phố.

Được tổ chức lần đầu tiên năm 2019, Hò dô, như chia sẻ của các nghệ sĩ trong nước tham gia, được bạn bè quốc tế thích thú và có cái nhìn khác hơn về âm nhạc cũng như năng lực của nghệ sĩ VN. NSƯT Hải Phượng (biểu diễn nhiều lễ hội âm nhạc quốc tế ở các nước) cũng nhìn nhận Hò dô không hề thua kém lễ hội âm nhạc nào.

Ngay từ khi ra mắt, Hò dô được chọn là một trong những sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội trong mục tiêu xây dựng TP.HCM mang diện mạo, sắc màu mới thu hút người dân và du khách quốc tế. Nhưng dịch Covid-19 xảy đến, các dự án có tính quốc tế đứt quãng và âm nhạc cũng không ngoại lệ. Vậy nên, để có được Hò dô 2022 ở quy mô lớn hơn từ tổ chức lẫn chất lượng nghệ sĩ biểu diễn cũng như các dịch vụ mang tính chất đặc trưng lễ hội, theo nhạc sĩ Huy Tuấn, tổng đạo diễn lễ hội này, đó là nỗ lực rất lớn với tinh thần cống hiến vì âm nhạc của những người làm nghề tử tế, thiện chí của các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa và các thành phần tham gia, đặc biệt là những nghệ sĩ có trách nhiệm với nền âm nhạc.

Hò dô 2022 không chỉ xác lập thương hiệu văn hóa của TP.HCM, mà theo NSƯT Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, đây là hành động quyết liệt cho thấy cam kết của thành phố trong việc kiên định theo đuổi chiến lược đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng một điểm đến văn hóa mới - ghi tên Hò dô vào bản đồ âm nhạc thế giới. Và Hò dô lần 2, với sự tham gia của những tên tuổi quốc tế như Babyface (người sở hữu 12 giải Grammy, từng được tạp chí NME xếp thứ 20 trong danh sách 50 nhà sản xuất âm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại) hay Johnny Stimson (chủ nhân bản hit Smile), Alastair Moock (nghệ sĩ nhận được đề cử Grammy), Ricky Kej (nam ca sĩ thắng giải Grammy và là đại sứ về môi trường của Liên Hiệp Quốc)… đã là một sự khẳng định “ban tổ chức và TP.HCM sẵn sàng nâng tầm lên một đẳng cấp khác, ít nhất là đẳng cấp khu vực” như nhạc sĩ Huy Tuấn nói.

Trước Hò dô, âm nhạc VN đã được bạn bè quốc tế biết đến qua Monsoon Music Festival (Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa), một thương hiệu âm nhạc của thủ đô và là điểm hẹn của người yêu nhạc trong 5 mùa diễn ra tại Hà Nội. Song để duy trì được Monsoon qua các mùa, “thuyền trưởng” - nhạc sĩ Quốc Trung từng chia sẻ anh (và công ty mình) đã liên tục bù lỗ hàng tỉ đồng, cùng với không ít khó khăn khác... Thế nên, để Hò dô diễn ra thường niên, trở thành thương hiệu văn hóa kích cầu du lịch, chúng ta không chỉ cần sự nỗ lực của ban tổ chức trong việc huy động các nguồn lực xã hội, nguồn lực từ các nhà tài trợ để có được mức kinh phí phù hợp, quyết sách đúng đắn của nhà quản lý, mà cần cả sự đồng hành của khán giả - yếu tố tạo nên không khí và sự thành công của một festival.

Từ Hò dô, Gió mùa hay Festival Huế, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng… cho thấy VN cần đầu tư và chiến lược cho những lễ hội văn hóa tầm khu vực và châu lục như thế, có sự tham gia quốc tế để tranh thủ quảng bá, nâng tầm nghệ sĩ lẫn văn hóa Việt ra thế giới hơn là dàn trải nơi nào cũng làm lễ hội thường niên với công thức mở màn bằng một đêm sân khấu hóa, rồi diễu hành, rồi hội thảo...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.